Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có chuyến thăm 3 quốc gia châu Phi là Djibouti, Kenya và Angola. Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ đối tác và an ninh của Mỹ ở khu vực này.
Chuyến công du châu Phi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra sau một loạt chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới khu vực này, đặc biệt là chuyến thăm 3 nước châu Phi của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 3 vừa qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Getty
Dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Mỹ đã cho thấy sự quan tâm trở lại đối với châu Phi sau một thời gian dài gần như xếp cuối trong các ưu tiên đối ngoại của Mỹ.
Điều này đã được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa Mỹ với châu Phi là rất quan trọng. Hai bên có cơ sở lịch sử cho mối quan hệ này. Tuy nhiên, mối quan hệ này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và các bên vẫn có cơ hội để nhìn về tương lai phía trước”.
Với tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực, kinh tế trên đà phát triển mạnh, châu Phi đang được xem là khu vực quan trọng trong cán cân quyền lực toàn cầu. Do vậy, không có gì khó hiểu khi khu vực này đang là nơi diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.
Một loạt động thái xích lại gần châu Phi của các cường quốc trên thế giới như Trung Quốc và Nga thời gian qua đang cho thấy sức hút của lục địa này ngày càng lớn trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng, tạo nên những dịch chuyển chưa từng có trong cục diện quan hệ quốc tế. Điều này khiến Mỹ không thể ngồi yên.
Để tăng cường quan hệ với châu Phi, Mỹ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi hồi cuối năm ngoái và có các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Mỹ, đánh dấu sự trở lại khu vực này với các chính sách mới, ưu tiên hơn.
Phát biểu trước báo giới mới đây, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát động một chương trình có tên là Chuẩn bị, Chương trình Thích ứng Khẩn cấp của Tổng thống và cam kết sẽ giúp ít nhất nửa tỷ người ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Châu Phi, có thể thích ứng với biến đổi khí hậu. Mỹ sẽ hợp tác cùng các quốc gia châu Phi để dẫn đầu trong việc thích ứng và quản lý các tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Theo kế hoạch, cuối năm nay, người đứng đầu Nhà Trắng cũng sẽ đến thăm lục địa này. Theo giới phân tích, những cam kết và các chuyến thăm của giới chức Mỹ tới châu Phi cho thấy, trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này diễn ra ngày càng quyết liệt, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Biden muốn sửa chữa sai lầm quá khứ đã lãng quên châu Phi.