Phát biểu với báo chí, ông Antony Blinken cho biết, gói này sẽ bao gồm các loại đạn dược, tên lửa phòng không bổ sung để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga ở thời điểm hiện tại và trong mùa Đông tới nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, gói viện trợ cũng bao gồm các loại đạn pháo và vũ khí chống tăng, đạn chùm, giúp tăng cường khả năng của Ukraine trong cuộc phản công chống lại lực lượng Nga. Đây là lần thứ hai Mỹ cung cấp bom chùm gây tranh cãi cho Ukraine. Hồi cuối tháng 7/2023, sau khi Mỹ lần đầu tiên cung cấp bom chùm cho Kiev, Nhà Trắng cho biết, lực lượng Ukraine đang sử dụng vũ khí này “một cách hiệu quả” và “thích hợp” để tấn công vị trí phòng thủ của Nga.
Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết, Mỹ sẽ không cung cấp Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) cho Ukraine, bất chấp yêu cầu từ Kiev. Ông cho biết mặc dù ATACMS không có trong gói viện trợ lần này nhưng Tổng thống Biden sẽ "không loại trừ khả năng cung cấp cho Ukraine trong tương lai."
Các khoản viện trợ nêu trên được công bố sau khi Tổng thống Zelensky tới thăm Mỹ và gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng để kêu gọi Washington tăng cường viện trợ quân sự. Tại cuộc gặp, ông Biden cam kết Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine để hỗ trợ Kiev đạt được bước tiến trong việc giành lại các vùng lãnh thổ đã mất.
“Cùng với các đồng minh và đối tác của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các hệ thống an ninh để giúp Ukraine giành lại lãnh thổ”, ông Biden khẳng định.
Theo ông Biden, gói viện trợ quân sự mới nhất sẽ bao gồm hệ thống phòng không MIM-23 Hawk, tên lửa không đối không AIM-9M Sidewinder, hệ thống phòng không Avenger và nhiều loại tên lửa cho hệ pháo phản lực cơ động cao HIMARS của Ukraine.