Bình yên "xóm núi"

05/08/2022, 05:50

Cờ bạc dưới hình thức xóc đĩa, đánh bài, đá gà... từng nổi tiếng từ thời thành lập vùng kinh tế mới Gia Le. Đến nay thôn Dân Lễ yên bình hơn xưa nhờ sự quyết tâm triệt xóa và thay đổi nhận thức của người dân về tệ nạn, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc).

20220714_120737.jpg
Trẻ em và người già ở thôn Dân Lễ  

Từ biển lên rừng

Giữa cái nắng ban trưa hừng hực, dấu hiệu của trời sắp mưa sau bao ngày nắng hạn, tôi dừng xe gần một gốc đa đầu thôn Dân Lễ, để đeo găng tay chống nắng. Nhưng chần chừ nán lại bởi một cậu bé chừng 20 tháng tuổi, từ nhà ở ven đường chạy ra bám vào xe tôi như đã quen biết từ lâu. “Ra bồng em vào!” - người đàn ông ngoài lục tuần nằm võng dưới tán cây trong vườn nhà ấy thúc giục một cô bé. Tôi lóng ngóng móc bóp đưa tiền cho cô bé, bảo: Con mua bánh kẹo cho em ăn nhé!. Người đàn ông ấy nhìn cháu mình cầm lấy tiền vẻ ái ngại, bắt chuyện: “Ba mẹ của chúng đi làm công nhân hết rồi, tôi ở nhà trông nom các cháu”. Qua trò chuyện thấy ở ông một con người hiền lành chất phác, ông nói nhiều về những gì tôi cũng muốn tìm hiểu.

20220714_120810.jpg
Cây đa đầu thôn Dân Lễ giờ vắng vẻ hơn xưa.

Cậu bé Nghĩa vẫn lẽo đẽo theo chị Linh đi về phía gốc đa già vắng người, nơi có tiệm tạp hóa lớn. Phía ấy làm tôi nhớ lại, mình đã hơn một lần đến đây nhiều năm trước thấy những chú gà chọi đỏ như gấc có búi lông đen trên đầu, đuôi và bộ cánh, nhốt trong lồng sắt ở đó, gáy vang. Chủ nhân của chúng đứng, ngồi ngắm nghía chúng như báu vật. Rồi những cô, những chị vui cười chơi bài tây, tứ sắc ăn tiền...

Tôi nhớ như in, hình ảnh ông Nguyễn Ngọc Bình, sinh năm 1958, hom hem tiếp tôi trong căn nhà nhỏ chỉ đủ 2 người ở, nhưng mà nhà ông có đến 6 người. Ông bảo: Cha mẹ ông từ Hàm Tiến về đây lập nghiệp, vợ chồng khai hoang được 5 ha, trồng mè, mì từ những năm 1995. Năm 2006, khi có chủ trương thu hồi cho dự án trang trại nông lâm kết hợp, thuê nhưng đền bù chưa thỏa đáng. Gia đình ông mong chính quyền địa phương giải quyết để yên tâm sản xuất.

Sau đó tôi trở lại lần nữa thì được tin ông Bình đã về thế giới bên kia vì bệnh sỏi mật biến chứng. Bà Nuôi, vợ ông Bình không biết chữ nghĩa vốn quen dựa vào chồng đã buông bỏ không thay chồng theo kiện đòi bồi thường giá cao hơn. Năm 2017, UBND huyện Hàm Thuận Bắc có văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện phối hợp với các ngành chức năng huyện xử lý, thu hồi dự án trang trại vì không hoạt động. Bà Nuôi đã bán miếng đất ấy trong cơn bão "sốt đất" năm qua.

Giờ đây mọi thứ ở "xóm núi" này dường như đã thay đổi, nhưng cốt cách của con người vẫn như xưa. Bà Nuôi, ông Vinh – ông của bé Nghĩa nằm trong số những ngư dân của phường Hàm Tiến, Mũi Né (Phan Thiết) về đây lập nghiệp theo diện giãn dân từ cuối thập niên 70. Họ vẫn mang lối sống của người miền biển, một số còn giữ những thói quen khó bỏ.

img_20170920_123137.jpg

Thành vùng đất “nóng”

Cuộc sống nơi vùng đất mới với 4 bên núi rừng khác so với dưới biển, thiếu thốn đủ bề, nhất là nước sản xuất và sinh hoạt. Không chịu nổi với điều kiện sống ấy nên có người quay về với biển, số còn lại bám trụ như cha mẹ của bà Nuôi, ông Vinh, bà Phan Thị Kim Yến – Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Dân Lễ... Họ tập tành đi rừng lượm lặt sản vật, khai hoang trồng mè, mì sống qua ngày, những lúc buồn thì rủ nhau chơi bài, phần nhiều là phụ nữ, nhất là vào dịp lễ, tết. Từ đó hình thành nên những sòng bạc, tụ điểm đá gà có tổ chức, có cả người bên ngoài thôn vào tham gia.

20220714_095947.jpg
Ngoài canh tác mè, mì người dân Dân Lễ  còn đi lấy măng rừng cải thiện thêm cuộc sống.

Những cuộc truy bắt, đẩy đuổi của công an nhằm dẹp tệ nạn xã hội diễn ra hàng năm, nhưng cứ như trò chơi trốn tìm. "Có sòng bạc, trong đó có cả gia đình 4 người tham gia, cha mẹ đánh, con cái xóc bài và đi canh gác đường. Xóc rồi chia bài, canh gác đường nếu có công an thì gọi điện báo, chúng cho tiền nên tụi nó ham", bà Nguyễn Thị G nói nhỏ đủ tôi nghe.

Ngay cả những người làm công tác Mặt trận ở thôn bao gồm trưởng, phó, hội trưởng phụ nữ... cũng rất tế nhị khi nói về vấn đề cờ bạc. “Một lần nêu vấn đề này tại một hội nghị của xã, đêm ấy nhà tôi như muốn rung chuyển...”, bà Yến nhún vai tỏ ra ớn lạnh khi nhớ lại. Nhưng rồi bà tâm sự: “Mình không sợ, khi những việc mình làm vì mang lại lợi ích cho mọi người”. Chính điều đó, trong thôn ai cũng cảm phục bà, người mẹ đơn thân, một mình nuôi con vốn đã khổ, nay tuổi cao sức yếu còn tham gia việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhiều lần bà nản muốn bỏ nửa chừng, nhưng cứ như nghiệp đã vận vào người. Bởi liên quan đến vùng đất "nóng" hẻo lánh này vốn là tụ điểm của trò đỏ đen, cần những con người mạnh mẽ, xông xáo, có tâm với công việc như bà.

Mặt trời chênh vênh trên đỉnh đầu, tỏa những tia nắng như muốn đốt cháy vạn vật dưới mặt đất khi chúng tôi tìm đến nhà trưởng thôn nằm ở cuối xóm. Trưởng thôn Dân Lễ ông Nguyễn Thanh Hải, ngoài lục tuần cũng là người độc thân, sống với con cháu, làm việc nhà thì ít, làm công tác thôn thì nhiều. Ông cho biết: "Cờ bạc bữa nay giảm đi nhiều, chủ yếu người ở nơi khác đến tổ chức lén lút đánh. Người dân trong thôn còn một số ít người tham gia chơi, hoặc làm những công việc theo kiểu phục vụ, bọn chúng sai gì làm nấy, để được cho tiền. Vừa rồi công an cũng bắt được một vụ đang đưa ra xử lý".

Năm 1979, xã Hàm Trí tiếp nhận 150 hộ dân với 700 khẩu từ Mũi Né, Hàm Tiến đến vùng đất Gia Le - gọi là vùng kinh tế mới Gia Le. Sau đó, vùng kinh tế mới này tiếp nhận thêm 50 hộ dân ở các phường khác của Phan Thiết đến. Năm 1985 hình thành nên thôn 2 của xã Thuận Hòa và đến năm 2000 thì đổi tên thành thôn Dân Lễ.

20220705_105227.jpg
Đường vào thôn Dân Lễ.

Bình yên hơn

Cả thôn vẫn lặng lẽ như lúc tôi gặp ông Vinh, cháu Nghĩa, dù đồng hồ đã điểm 15 giờ. Thôn hiện có 275 hộ, phần lớn người trong độ tuổi lao động đều có công ăn việc làm, ban ngày chỉ còn những người già và trẻ em ở nhà. Những hình ảnh về các sòng bài công khai như từng thấy ở gốc đa đầu làng của nhiều năm trước không còn nữa.

Đây cũng là một thay đổi lớn nhờ tuyên truyền vận động, khuyến khích người dân đi làm công nhân ở các khu công nghiệp của chính quyền, hội và đoàn thể địa phương. “Lúc đầu vận động được một người đi, rồi người này nhìn người kia thấy làm công nhân có lương ổn định nên nhiều người cùng rủ nhau đi”, bà Bùi Thị Thanh Vân - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thuận Hòa nói trong vẻ vui mừng.

Tre già măng mọc, thế hệ cũ qua đi, thế hệ mới tiếp thu những cái tốt đẹp. Dân Lễ hiện trở thành vùng đất không tệ nạn, bình yên.

“Trước đây, người dân thôn Dân Lễ ít tham gia các cuộc họp thôn hoặc xã mời. Nhưng hiện nay không chỉ tham gia họp hành mà còn đóng góp sôi nổi vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, như: làm đường giao thông, thắp sáng đèn đường đảm bảo an ninh trật tự, trồng hoa ven đường tạo cảnh quan môi trường...”, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hòa - Võ Ngọc Bách nói.

NINH CHINH

Related articles
Về Gia Le, trò chuyện với người chăn dê
BT- Cái tên Gia Le nghe có vẻ thâm sơn cùng cốc, thật ra với chiếc xe hai cầu mọi người có thể đi đến sát chân núi, tận mắt mục kích những bầy dê đang ung dung gặm lá, gặm cỏ trên các triền đá, các bãi cỏ. Gia Le là tên cũ, bây giờ vùng đất này thuộc xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc. Ở đây, quan sát qua một vòng đã thấy nghề nuôi dê đang rất thịnh. Chúng tôi có những cuộc trò chuyện thú vị với những người “lấy con dê làm đầu cơ nghiệp” vào một ngày đầu tháng 7 này.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình yên "xóm núi"