Về Gia Le, trò chuyện với người chăn dê

15/07/2016, 08:58

BT- Cái tên Gia Le nghe có vẻ thâm sơn cùng cốc, thật ra với chiếc xe hai cầu mọi người có thể đi đến sát chân núi, tận mắt mục kích những bầy dê đang ung dung gặm lá, gặm cỏ trên các triền đá, các bãi cỏ. Gia Le là tên cũ, bây giờ vùng đất này thuộc xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc. Ở đây, quan sát qua một vòng đã thấy nghề nuôi dê đang rất thịnh. Chúng tôi có những cuộc trò chuyện thú vị với những người “lấy con dê làm đầu cơ nghiệp” vào một ngày đầu tháng 7 này.

                
Anh Nguyễn Đức Hiền với bầy dê đang chăn.

Anh Nguyễn Đức Hiền, chủ căn lều bạt dưới gốc thảo nam sơn và khu rẫy vườn bãi thả trải dọc chân núi cho biết: Bầy dê dao động trên dưới 60 con đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Một lần xuất chuồng khoảng 40 con loại 25 kg, tức 1 tấn thịt nhân cho giá 100.000 đồng/kg. Cứ 6 tháng là lái từ Phan Thiết lên “ăn hàng” một lần. Ước muốn của anh là có tiền đầu tư được 5 bầy thì thu nhập một năm “chắc nụi 1 tỷ đồng”.

Tôi hỏi liệu có đủ cỏ lá cho dê ăn không? Anh Hiền cười bảo: “Mùa mưa dưới núi, mùa nắng trên núi, cỏ lá không bao giờ hết”. Quả thật dê là loài dễ ăn, chúng ăn gần như tất tần tật các loại lá tạp nhưng thích nhất là cỏ và các loại lá giàu đạm. Chỉ khi mang thai, dê mới được cho ăn thêm chút thức ăn tinh gọi là bồi dưỡng.

Ông Lê Đăng Sâm, người chăn dê cô độc dựng lều ven suối, cho biết: Thấy việc chăm dê đẻ thì nhọc nhằn vậy nhưng làm quen thì lại thấy nhẹ nhàng. Phải biết con nào đang có chửa thì tách ra khỏi dê đực giống, không được nhốt chung và kỵ nhất là xua đánh. Với dê chửa lần đầu thì chịu khó xoa bóp bầu vú để kích thích cho có sữa.

Tôi thật bất ngờ với một người tay chân thô ráp như ông Sâm lại là “bà mụ” mát tay từng nâng đỡ cho hàng trăm dê con ra đời. Ông tiết lộ: Bụng sa, đái dắt, vú căng, dịch chảy là dê sắp đẻ. Khi dê đẻ phải có người kịp thời làm “bà mụ” không chỉ cắt rốn mà còn theo dõi những trường hợp đẻ kẹt, đẻ ngược để nhanh tay xoay thai lại và kéo ra theo nhịp rặn của dê mẹ. Thường, dê đẻ 3 - 4 tiếng đồng hồ mới xong nên người trực đẻ phải kiên trì theo dõi. Thời gian chờ có thể tranh thủ lót thêm rơm rạ hoặc lau sạch, chăm sóc cho dê con. Dê con sau khi đẻ khoảng nửa tiếng là phải cho bú liền, phải chuẩn bị bình sữa để vắt sữa mẹ cho nó, nếu không bú được trực tiếp.

“Nuôi dê núi như thế này được cái nhàn nhã, ít tốn công chăm sóc, thức ăn lại có sẵn”. Ông Sâm vừa rót thêm cho tôi ly trà vừa trò chuyện thân tình: “Ở đây, tôi và bà con đều chọn cách nuôi pha trộn chung các giống dê cỏ địa phương với giống Bách thảo và giống lai Mỹ. Đây là các giống đã trụ được qua thực tế, ít bệnh, dễ ăn, dễ sinh mà thịt lại thơm ngon, khách hàng ưa chuộng”.

Tôi tìm gặp ông Thông Minh Hai, chủ một gia đình nuôi dê khác. Mô hình kinh tế của ông Hai là kết hợp chăn nuôi bò, dê với việc trồng bí và đu đủ cao sản. thu nhập của gia đình ông khá nhất trong những người chăn dê ở đây. Ông tâm sự: “Khi nào ổn định thêm bước nữa, tôi sẽ mở hẳn trang trại dê, tức là chủ động trồng cỏ, làm chuồng trại bài bản và ưu tiên phát triển đàn dê bản địa”.

Khác với các chủ dê đa phần từ Hồng Sơn hoặc các địa phương quanh vùng sang đây lập nghiệp, ông Hai kể về cuộc đời “lên bờ xuống ruộng” của mình từ Phú Quý, Ninh Thuận trôi dạt vào đây. Ông chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình và chọn con dê làm người bạn tri ân. Thật vậy, chính con dê và vùng đất thâm sơn cùng cốc này đã vực dậy gia đình ông từ hai bàn tay trắng đến ngày hôm nay. “Có những lúc không ai mua mình còn giữ được bầy dê, giờ không lý gì mình lại bỏ nó”.

Tôi hỏi: “Ông có nghĩ mình sẽ làm giàu từ con dê không?”, ông trả lời rất tự tin: “Chắc chắn, nếu ông trời còn thương mình!”. Tôi tin ông và những người nuôi dê ở đây sẽ giàu lên, sẽ có cuộc sống ổn định, tất nhiên là họ siêng năng, chịu thương chịu khó như bây giờ. Tôi cũng tin nếu đầu tư đúng mức thì dê Gia Le sẽ là điểm nhấn khá ấn tượng của kinh tế Hàm Thuận Bắc.

Nguyễn Tân Hải


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về Gia Le, trò chuyện với người chăn dê