Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW: Nông nghiệp phát triển vững chắc, nông thôn phát triển toàn diện, nông dân có thu nhập cao

23/12/2022, 05:40

Mục tiêu, tầm nhìn trong chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Thuận để triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW (NQ 19) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đưa nông nghiệp phát triển vững chắc, nông thôn phát triển toàn diện, nông dân có thu nhập cao.

Tại Bình Thuận, trong những năm qua tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tiến bộ. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực; năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Khai thác thủy sản xa bờ được đẩy mạnh gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; sản xuất tôm giống Bình Thuận tiếp tục giữ vững thương hiệu. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang hơn. Trình độ, kinh nghiệm sản xuất của nông dân ngày càng được nâng lên. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững. Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền được tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; niềm tin của người dân nông thôn đối với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, nâng cao. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp phát triển chưa vững chắc, chủ yếu theo mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, phân tán; liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn nhiều hạn chế; sự tham gia và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn ít; thị trường, giá cả tiêu thụ nông sản bấp bênh, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Kết quả thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn còn ít. Công tác dự báo, thông tin về thị trường sản xuất, tiêu thụ nông sản và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn hạn chế.

Căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, để thực hiện tốt NQ 19, chương trình hành động của Tỉnh ủy đã xác định mục tiêu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành Nông nghiệp toàn tỉnh phấn đấu đạt bình quân từ 2,8 - 3,3%/năm; năng suất lao động nông nghiệp bình quân tăng từ 7 - 8%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có từ 10 - 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng từ 2 – 2,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 30%; bình quân hàng năm đào tạo nghề khoảng 3.000 lao động nông thôn. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 43%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%. Tầm nhìn đến năm 2045 nông dân và cư dân nông thôn Bình Thuận văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bền vững, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước. Xây dựng nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Nhiệm vụ, giải pháp Tỉnh ủy đặt ra cho toàn hệ thống chính trị là phải nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao cho nông dân và cư dân nông thôn. Thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển, dịch vụ cơ bản ở khu vực nông thôn. Thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm, khuyến khích, nâng nhanh tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Ưu tiên nguồn lực đầu tư đối với các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp bảo đảm thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai ở những nơi có điều kiện; phát triển nông nghiệp hiện đại, chuyên canh, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ cao và chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiếp tục đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa. Huy động mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh. Khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành nông nghiệp; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ…

BẢO TÍN

Related articles
Hàm Thuận Bắc: Tổ chức lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh
BTO- Nhân kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2022); sáng ngày 22/12/2022, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức đoàn đại biểu đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW: Nông nghiệp phát triển vững chắc, nông thôn phát triển toàn diện, nông dân có thu nhập cao