Bình đẳng giới - nền tảng xây dựng hạnh phúc gia đình

04/04/2024, 05:26

Qua nhiều thời kỳ phát triển, đến nay những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam vẫn đang được gìn giữ, vun đắp. Trong đó, Luật Bình đẳng giới ra đời và đi vào cuộc sống đã từng bước xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng...

tranh-ve-4.jpg
Bức tranh chủ đề về gia đình do các em thiếu nhi vẽ.

Cần trang bị kiến thức về giới

Khi nêu bình đẳng giới (BĐG) chúng ta đều quen thuộc với khái niệm “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng”. Khác với ngày xưa, phụ nữ bây giờ được tiếp cận với nhiều thông tin tri thức hơn, đời sống tinh thần và thể chất được nâng cao và có thể phát huy được vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực mà trước đây chưa có điều kiện phát triển. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại cũng đã được xây dựng là những người “giỏi việc nước, đảm việc nhà” - vừa có tri thức, có sự nghiệp riêng, vừa đảm nhiệm chức năng không ai thay thế được đó là sinh con, chăm sóc và nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề bất BĐG trong xã hội nói chung và trong gia đình nói riêng vẫn tồn tại, tình trạng bạo lực gia đình tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra.

img_1761.jpg
Tuyên truyền đóng vai trò quan trọng giúp thay đổi nhận thức về giới.

Từng có nhiều năm phụ trách công tác dân số, phụ nữ ở thôn, bà Vũ Thị Anh Đào (xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc) phải can thiệp, hòa giải không ít trường hợp phụ nữ bị chồng bạo hành sau những cuộc say xỉn, ghen tuông. Theo bà, nếp nghĩ hàng ngàn năm của người Á Đông, người vợ là “hậu phương” trong gia đình, có trách nhiệm chăm sóc con cái, lo cơm nước, bếp núc hàng ngày, còn nam giới là phái mạnh, là trụ cột, có quyền quyết định tất cả mọi công to việc lớn trong gia đình mà không nhất thiết phải trao đổi, bàn bạc với người vợ. Bởi thế có không ít trường hợp, người vợ có ý kiến góp ý thì bị gạt đi và cho là “phụ nữ biết gì mà nói”. Được mọi người tin tưởng và hiểu rõ chuyện nhà người, bà Đào xót thương cho nhiều hoàn cảnh và thân phận người phụ nữ, nên luôn tìm mọi cách để vực họ dậy, kéo chị em thoát cuộc hỗn loạn tinh thần bằng sự cảm thông, sẻ chia và cả kinh nghiệm.

img_9632.jpg

Công bằng, cởi mở trong mối quan hệ vợ chồng

Trong buổi tập huấn một nội dung của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tại TP. Phan Thiết mới đây, Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh – Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện phụ nữ Việt Nam thông tin thêm: Hiện nay BĐG cho phép cả người đồng tính, song tính, vô tính và chuyển giới được công khai và sống thực với giới tính của mình mà không hề bị phân biệt, kỳ thị, được bình đẳng mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; được hỗ trợ và tạo điều kiện để phát huy khả năng, có cơ hội như nhau.

img_4472.1111.jpg
Phụ nữ năng động, tự tin trong các hoạt động.

BĐG cũng không chỉ là để giải phóng phụ nữ, mà còn là giải phóng nam giới. Khi quá đề cao nam giới và hạ thấp nữ giới thì không chỉ có nữ giới bị ảnh hưởng mà nam giới cũng bị hệ lụy. Quan niệm nam giới là phái mạnh, phải mạnh mẽ, không được khóc, không được thể hiện cảm xúc là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ tự tử ở nam cao gấp 3 lần nữ giới, tuổi thọ cũng ngắn hơn và tỷ lệ trầm cảm ngày càng tăng. Người đàn ông là trụ cột trong gia đình, phải lo gánh vác các công to, việc lớn như sự nghiệp, công danh, dựng xây nhà cửa khiến nhiều người mải mê lao vào kiếm tiền, phấn đấu cho công danh sự nghiệp mà bỏ bê gia đình, vợ con hoặc kiếm tiền bằng mọi cách dẫn đến rơi vào vòng lao lý. Rất nhiều nam giới bị rối loạn tâm lý nhưng không dám đi khám hay chữa hoặc tìm đến sự giúp đỡ vì họ sợ bị đánh giá là “yếu ớt” hay “thiếu nam tính”.

img_9642.jpg
Tập huấn nâng cao năng lực về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho đội ngũ giảng viên nguồn, cán bộ cấp huyện, xã.

Mặc dù trong xã hội vẫn còn không ít những khó khăn thách thức liên quan đến vấn đề BĐG, nhưng theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Để cuộc sống gia đình hạnh phúc và bình đẳng luôn phải có sự chung tay dựng xây của cả người vợ và người chồng. Khi cả hai bên cùng hiểu, cùng hợp tác giải quyết vấn đề sẽ góp phần tạo bình đẳng thực chất. Sự yêu thương, trân trọng ấy phải thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, chứ không có nghĩa phải đợi đến ngày lễ kỷ niệm mới yêu thương nhau, dành cho nhau sự quan tâm, nâng niu, trân trọng.

THÙY LINH

Related articles
Phụ nữ không phải để hy sinh
Má luôn dặn có chuyện gì cũng nhịn đi con, giữ gìn gia đình, làm việc gì cũng nghĩ đến hai đứa con. Má luôn biểu má nhịn ba cả một đời người, tụi bây đàn bà thì nhịn chồng một chút có sao đâu.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình đẳng giới - nền tảng xây dựng hạnh phúc gia đình