Bảo vệ rừng – sự sống còn. Bài 1

26/08/2024, 05:18

“Rừng vàng, biển bạc”. Xác định bảo vệ rừng là chiến lược, sự sống còn của đất nước, dân tộc. Để mất rừng là mất tất cả. Rừng là tài nguyên, nguồn lực to lớn của đất nước, là tư liệu sản xuất quan trọng, có khả năng tái tạo, yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Qua đó, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, quốc phòng, an ninh.

Bảo vệ, phát triển rừng vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Những năm qua, Đảng, Chính phủ và các địa phương trong cả nước đã có các Nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động… liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, nhấn mạnh đến giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp, có cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, chính sách đặc thù để thu hút, giữ chân người lao động làm việc trong ngành lâm nghiệp… Chuyện giữ rừng, phát triển rừng và sinh kế từ rừng tại Bình Thuận là một thực tế.

Bài 1: Sống chết giữ lấy rừng

Bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có của tỉnh. Đồng thời triển khai tốt các giải pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng… Đó là một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) đề ra tại Nghị quyết số 05 -NQ/TU ngày 10/9/2021 về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, những người trực tiếp giữ rừng, bằng trách nhiệm, tình yêu với rừng đã không ngại khó khăn, hiểm nguy sống chết giữ lấy rừng quê hương…

37730fb0-7ee8-4ab6-a710-fcdc4846402a.jpeg
Lực lượng BVR 143, thuộc BQLRPH Đức Linh tuần tra bảo vệ rừng.

Bám rừng ở vùng giáp ranh

Chúng tôi có mặt ở vùng đất được ví là nơi “gà cất tiếng gáy 3 tỉnh nghe”. Đó là khu rừng ở tiểu khu 418, xã Đa Kai, thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Linh (BQL RPH). Nơi đây giáp ranh với địa phận tỉnh Lâm Đồng, nên tôi dễ dàng cảm nhận được không khí mát mẻ, trong lành và màu xanh mướt của vùng rừng “vàng” tự nhiên. Tôi ngồi sau chiếc xe máy cà tàng chuyên đi rừng của anh Nguyễn Trường Bảy – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng (BVR) 143, thuộc BQLRPH Đức Linh, có chút lo lắng vì đường lên rừng cheo leo, cao vút. Anh Bảy vừa trấn an tôi, vừa chia sẻ công việc hàng ngày của anh em trong trạm: Do đặc điểm khí hậu và rừng lá thường xanh, nên đất dưới tán rừng ở đây vẫn giữ được độ ẩm hơn các vùng rừng khác, hạn chế nguy cơ cháy do khô hanh. Tuy nhiên, ở đây cũng có vùng rừng hỗn giao tre, lá, thực bì nhiều nên lực lượng BVR phải thường xuyên phát dọn rất vất vả. Anh Bảy cho biết, vùng rừng này thuộc địa bàn thôn 11, xã Đa Kai. Trạm được giao quản lý, bảo vệ trên 1.000 ha, trong đó có khoảng 3 km rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, nên công tác quản lý càng phải thắt chặt, khó khăn hơn. Hiện nay, ngoài 3 nhân viên của trạm, còn có 15 hộ nhận khoán nên phần nào giảm bớt áp lực công việc. Mỗi tuần mỗi người được nghỉ 2 ngày thay phiên.

Cùng có mặt ở điểm rừng đã hẹn, ông Đinh Hoàng – Trưởng BQLRPH Đức Linh chỉ tay về vùng rừng phía trước, chia sẻ thêm: Đơn vị được giao quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp với trên 6.000 ha, bao gồm 14 tiểu khu, phân bố trên địa bàn 3 xã Mê Pu, Sùng Nhơn và Đa Kai. Với đặc điểm giáp ranh với xã Đạp Loa, xã Hà Lâm - huyện Đạ Huoai của tỉnh Lâm Đồng. Mặt khác, địa hình phần lớn đều nằm trên vị trí đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nhiều khu vực không có sóng điện thoại, việc thông tin liên lạc thực hiện phối hợp truy quét bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy (PCCCR) gặp khó khăn.

3692db0c-5e19-4fa3-9d96-79a08162fb4c.jpeg
Trưởng BQLRPH Đức Linh cùng lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị một buổi ăn trưa trong rừng.

Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác kỹ thuật – bảo vệ rừng và PCCC còn thiếu. Cộng thêm nhận thức về bảo vệ rừng, PCCC của một số hộ dân sinh sống ven rừng, gần rừng còn hạn chế. Một số diện tích đất lâm nghiệp bị chiếm trái phép sau khi thực hiện hủy bỏ cây trồng vẫn bị người dân tái chiếm sử dụng…

Cùng với những khó khăn, vất vả ấy, ông Hoàng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài và gay gắt hơn những năm trước, làm cho nguy cơ cháy rừng rất cao. Cũng vào thời điểm này, trong rừng cây ươi ra trái, người dân vào rừng chặt cây để thu hái hạt ươi, tạo áp lực lớn cho lực lượng bảo vệ rừng. Người trực tiếp giữ rừng còn thiếu so với quyết định giao chỉ tiêu.

aade43f3a144051a5c55.jpg
Một góc rừng Bình Thuận.

Trách nhiệm làm chủ

Tài nguyên rừng của cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống và ảnh hưởng tới tất cả mọi mặt, từ môi trường, sinh thái, sản xuất, kinh tế, xã hội của tỉnh. Bình Thuận có tỷ lệ che phủ rừng chiếm 43,02% diện tích tự nhiên, cao hơn mức bình quân của cả nước (42,02%), có thảm thực vật đa dạng.

d340e716-b135-46c9-8a72-2c139a3fdf98.jpeg
Lao động nghề rừng.

Đặc biệt, rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh có trữ lượng gỗ rừng sản xuất chiếm 39,51% tổng trữ lượng toàn tỉnh, lớn hơn nhiều tỉnh đồng bằng ven biển khác ở khu vực miền Trung. Trong đó, rừng sản xuất là bộ phận rừng mang lại giá trị cao về môi trường, điều hòa không khí trong lành, điều tiết lượng nước, phòng chống thiên tai lũ lụt, xói mòn và sạt lở đất, làm tăng độ phì nhiêu, bồi dưỡng tiềm năng của đất. Về kinh tế, rừng sản xuất là tiềm năng, cơ hội để ngành gỗ của tỉnh có thể mở rộng, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh và xuất khẩu. Đồng thời, rừng trồng sản xuất cũng tạo cơ hội cho nhiều hộ gia đình được giao đất trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng, do đó đã tạo ra sinh kế và nhiều việc làm cho hộ gia đình và người dân ở nông thôn, miền núi vùng sâu vùng xa của tỉnh.

Ý thức được tầm quan trọng ấy của rừng, thấy được trách nhiệm làm chủ của mỗi người dân đối với tài nguyên thiên nhiên, nên mọi khó khăn, thách thức đã biến thành động lực để những người giữ rừng sống chết đều bám lấy rừng… Với BQL RPH Đức Linh, trước những khó khăn gặp phải, lãnh đạo BQL đã phối hợp với Ban chấp hành công đoàn tuyên truyền vận động lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ nghỉ chế độ 1 ngày trong tuần, để tập trung cho công tác BVR và PCCCR trong thời gian cao điểm. Các tổ, trạm bảo vệ rừng đều xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng hàng tháng, phối hợp cùng tổ Kiểm lâm cơ động, lực lượng của 3 xã Mê Pu, Sùng Nhơn, Đa Kai và Kiểm lâm phụ trách địa bàn các xã có rừng. Cùng với triển khai tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng và chống người thi hành công vụ trên lâm phận quản lý, đặc biệt chú trọng vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng và các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng.

Theo đánh giá của Ban Cán sự UBND tỉnh Bình Thuận, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05 -NQ/TU, đến nay công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng giáp ranh với các tỉnh. Đồng thời triển khai tốt các giải pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng. Tỉnh đã sử dụng công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh trong quản lý, bảo vệ rừng phát huy hiệu quả.

Theo quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016 - 2025 của UBND tỉnh Bình Thuận, diện tích rừng toàn tỉnh 347.621,68 ha, được giao cho 2 Khu bảo tồn thiên nhiên 34.857,44 ha; 15 BQLRPH 261.327,37 ha; 2 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp 30.143,83 ha, còn lại là diện tích thuộc các lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp và UBND cấp xã quản lý.

Bài 2: Tháo nút thắt, bứt phá bảo vệ rừng

Bài 3: Quyết liệt các giải pháp

Bài 4: Làm giàu từ rừng

KIỀU HẰNG

Related articles
Giữ ổn định tỷ lệ và nâng cao chất lượng độ che phủ rừng đạt 43%
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải vừa ký ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 8/3/2024 của Chính phủ (NQ 29) về thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư (KL 61) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

(3) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo vệ rừng – sự sống còn. Bài 1