Bảo tồn các loài chim hoang dã

23/06/2022, 06:06

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu. Các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam.

cac-loai-chim-nl-5-.jpg
Các loài chim hoang dã ở khu rừng ngập mặn Phan Thiết. Ảnh: Ngọc Lân.

Đa dạng các loài chim quý hiếm

Hiện nay, ở nước ta đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa. Đối với tỉnh Bình Thuận, những năm trước đây đã xuất hiện một đàn chim lạ di trú tại cánh đồng lớn, thuộc xã Gia An, huyện Tánh Linh, tập trung ở bầu sen dọc theo sông La Ngà, sau đó di tản ra nhiều nơi. Loài chim này được đánh giá là loại chim quý với đặc điểm mỏ nhọn dài, màu vàng cam, chân cao màu mơ, mình và cổ màu trắng, cánh màu đen nâu đậm. Chiều cao mỗi con từ 0,7 - 0,8m, nặng từ 3 – 4 kg. Loài chim này đã được kiểm lâm địa bàn bảo vệ nghiêm ngặt. Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, là vùng có tính đa dạng sinh học quan trọng ở vùng ven biển cực Nam Trung bộ. Nơi đây được ghi nhận có hệ sinh thái rừng đa dạng là hệ động vật khá phong phú, đa dạng có một số loại nằm trong sách đỏ Việt Nam. Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú được xác định là quần thể đa dạng sinh học với nhiều loài động vật quý hiếm đang tồn tại. Hệ động vật gồm ít nhất 30 loài thú, đáng chú ý là có tới hơn 100 loài chim... Đây cũng là nơi ẩn cư của một số loài chim đang trong nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu như gà tiền mặt đỏ, gà lôi hồng tía, trĩ sao, công... tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, thuộc huyện Tánh Linh cũng hiện diện 98 loài chim, trong đó có một số loài được ưu tiên bảo tồn cao, được thế giới đặc biệt quan tâm. Từ những yếu tố trên cho thấy tại các khu bảo tồn của tỉnh không chỉ có những động thực vật đa dạng và phong phú, là kho tàng tài nguyên vô cùng quý giá của quốc gia, mà còn có rất nhiều loài chim quý có giá trị to lớn về nghiên cứu khoa học, về tính đa dạng sinh học.

Cần được bảo tồn

Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có các loài chim hoang dã, di cư cũng như các vùng chim quan trọng. Nhiều loài chim hoang dã, di cư được đưa vào danh mục để quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật... Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật, ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Hoạt động săn bắt, hủy hoại môi trường sống tự nhiên dẫn đến việc thay đổi môi trường sống và hệ sinh thái, làm suy giảm số lượng, thành phần các loài chim hoang dã, di cư. Tình trạng bẫy bắt chim diễn ra chủ yếu bằng phương thức giăng lưới tàng hình trên các khu đồng trống, các vùng thức ăn chim thường tìm đến và trên đường đàn chim di chuyển tìm mồi… Bên cạnh đó tình trạng người dân tự ý săn, bẫy bắt, mua bán các loài chim hoang dã trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của một số loài chim hoang dã, làm mất cân bằng sinh thái, phá hoại cảnh quan môi trường…

Để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư, đòi hỏi các ngành chức năng của tỉnh cần phải chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái phép các loài chim hoang dã, di cư. Tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời tăng cường điều tra, phát hiện và kịp thời xử lý, phá các đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loài chim hoang dã, di cư. Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo các sản phẩm, công cụ săn, bắt, bẫy chim hoang dã, di cư như lưới, súng săn, súng tự chế. Tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các khu bảo tồn thiên nhiên, các vùng đất ngập nước, các vườn chim và các vùng chim quan trọng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh có các hành vi vi phạm...

PHAN LIÊN

Related articles
“Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em”
Đây là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 diễn ra từ ngày 1 - 30/6 nhằm vận động toàn xã hội cùng chung tay thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và thực hiện quyền trẻ em. Đồng thời, phòng ngừa, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn các loài chim hoang dã