Bánh cúng cúng rằm tháng bảy

25/08/2021, 09:43

Bánh trong ảnh dưới đây vùng Phú Long, Hàm Thuận gọi là BÁNH CÚNG; cùng với Bánh cúng còn có Bánh cấp là hai loại bánh dân quê thường làm để cúng Rằm tháng bảy. Nhìn vào dáng bánh có người nói rằng, bánh cúng và bánh cấp là cái dấu tích cổ xưa của tín ngưỡng phồn thực; không rõ việc này có đúng hay không.

Bánh trong ảnh dưới đây vùng Phú Long, Hàm Thuận gọi là BÁNH CÚNG; cùng với Bánh cúng còn có Bánh cấp là hai loại bánh dân quê thường làm để cúng Rằm tháng bảy. Nhìn vào dáng bánh có người nói rằng, bánh cúng và bánh cấp là cái dấu tích cổ xưa của tín ngưỡng phồn thực; không rõ việc này có đúng hay không.

 

 

Nguyên liệu làm bánh chỉ có nếp, dùng lá và dây chuối khô để gói; xong đem luộc, chín vớt ra, cắt dây là thành phẩm. Bánh luộc chin có màu xanh lá rất đẹp và mùi nếp nếp tỏa ra thơm phức. Khi đem đi bán thì dùng dây buộc chục.

Ngày xưa phong trào làm hai loại bánh này đem đi Phú Hài, Phú Thủy, nhất là Rạng và Mũi Né bán rất nhiều. Ở đó, dân đi biển mua để cúng ghe, vì rằm tháng bảy (và tháng 10) là rằm lớn. Tới đó, bán lẻ có mà bán buôn (bán số lượng lớn) cũng có. Bán bánh xong thì mua cá, nước mắm, cá khô (nhất là khô dãnh mang về); hình như có cả bánh tráng dừa thì phải?!

Thường khoảng trước rằm tháng bảy một đến hai ngày thì chất bánh vào giỏ cà xé chở bánh đi bán. Để kịp chợ, từ mùng 7-8-9/7 thì việc làm bánh đã khẩn trương lắm rồi. Lúc đó, mỗi người một tay, nào đi rọc (hái) lá chuối rồi phơi nhẹ cho héo, người cắt dây (chuối) khô về tét sợi nhỏ, kẻ thì ngâm, vo nếp cho sạch; vo không sạch thì bánh mau thiu.

Chuẩn bị xong thì dùng một đoạn gỗ tròn hoặc ống tre (gọi là nòng gói bánh) để cuộn lá, dùng dây buộc một đầu rồi rút vỏ bánh ra khỏi nòng; sau hốt nếp đã vo sạch cho vào vỏ đã quấn tròn, gọi là "cho ăn nếp", rồi dùng dây cột đầu còn lại.

Có một "chiêu" mà người gói bánh để bán hay làm là quấn nhiều lá, lá nhiều thì nếp ít, người làm bánh thêm lời. Do vậy, chỉ có bánh nhà làm nhân mới nhiều, còn xách tiền mua thì gõ ra chỉ có xíu ruột còn lại là lá nên có nhà mua tới cả mấy chục.

Việc làm bánh cũng mất hết vài ngày, mất ăn mất ngủ để cho kịp chợ rằm.

Dăm ba năm trở lại đây, nghề làm bánh bớt dần và nay thì còn rất ít người làm.

Bánh cúng thường ăn với xị dầu hoặc nước mắm Phan Thiết, thêm vài lát ớt xiêm cũng đủ no cho một ngày lao động trên đồng. Ngày nay, bánh cúng, bánh cấp cũng ít người ăn, hình như cuộc sống no đủ, có nhiều loại bánh Tây, bánh Tàu ngon hơn "bánh nếp nhà làm" thì phải?! Còn hồi xưa, chắc là nghèo quá, thiếu ăn thiếu uống nên cái gì cũng them, ăn gì cũng ngon. Mà không chỉ bánh cúng, bánh cấp đâu, bánh chưng, bánh ít cũng chung “số phận” đó, nhất là sau các dịp giỗ chạp, cúng quẫy.

THÀNH DANH

ĐỖ THÀNH DANH

- 0912765072

- Trường THPT Ngô Quyền (Phú Quý, Bình Thuận)


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bánh cúng cúng rằm tháng bảy