
Trao đổi với ông Nguyễn Bá Triển, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy được biết: Công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị hết sức khó khăn, trong 35 tiểu khu rừng quản lý có 15 tiểu khu nằm giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, với diện tích 12.446 ha. Diện tích rừng trải dài, tiếp giáp với nhiều khu vực dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân và ranh giới tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng có chiều dài khoảng 59 km. Địa hình núi rừng đồi dốc hiểm trở, khó khăn trong việc tuần tra, kiểm tra rừng và khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng được xác định là điểm nóng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Trong lâm phận rừng quản lý có nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, như: Nhà máy thủy điện Bắc Bình, hồ thủy điện Đại Ninh, hồ chứa nước Sông Lũy và đang nâng cấp, mở rộng quốc lộ 28B. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đơn vị đã xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng chống lấn chiếm đất rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Củng cố, kiện toàn lại lực lượng bảo vệ rừng, sắp xếp bố trí các trạm, chốt bảo vệ rừng cho hợp lý và lập các chốt chặn ở những vị trí xung yếu để kiểm soát, ngăn chặn người, phương tiện vào rừng trái phép. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các trạm, chốt bảo vệ rừng, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh trên lâm phận quản lý. Tổ chức ký cam kết với các hộ dân sống, canh tác ven rừng không được lấn chiếm đất rừng và rà soát lập danh sách các đối tượng phá rừng chuyên nghiệp để răn đe, vận động chuyển đổi nghề. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống cháy rừng. Tiếp tục giao khoán 10.693,36 ha rừng cho 358 hộ đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ rừng, nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập gia đình. Thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, truy quét các đối tượng phá rừng ở các vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng và các điểm nóng phá rừng tại các xã.
Các Trạm bảo vệ rừng đã phối hợp với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Tăng cường bám rừng, bám sát địa bàn quản lý, nắm bắt các nguồn thông tin có liên quan để bố trí lực lượng phối hợp với kiểm lâm, chính quyền địa phương kiểm tra, ngăn chặn phá rừng tận gốc. Thực hiện quy chế phối hợp với các đơn vị tỉnh bạn trong việc tuần tra, truy quét các đối tượng phá rừng, như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh, Bảo Thuận, Tam Hiệp (Lâm Đồng). Đơn vị đã lập danh sách các đối tượng có xe hoán cải, xe máy độ chế cư ngụ ở huyện Đức Trọng, Di Linh, tỉnh Lâm Đồng để phối hợp với công an các địa phương mời làm việc và ký cam kết không thực hiện các hành vi phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép.
Bên cạnh đó, đơn vị đã chỉ đạo các trạm, chốt bảo vệ rừng triển khai các phương án, kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô và thực hiện chế độ phân công trực ban phòng chống cháy rừng. Báo cáo tình hình cháy rừng hàng ngày về Ban chỉ huy bảo vệ rừng – PCCCR huyện. Thiết kế đưa vào thực hiện công trình đốt chần phòng cháy rừng mùa khô tại các tiểu khu 82B, 73B, 136, 137, 138A, 139, 140, 141, thuộc các xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến. Tổ chức ký cam kết với những hộ dân sống gần rừng, ven rừng về công tác phòng cháy chữa cháy rừng và không đốt nương làm rẫy ven rừng. Cắm các bảng cảnh báo, dự báo cấp độ cháy rừng ở những vị trí dễ nhìn thấy của người dân khi ra vào rừng.