Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 1.943/1.951 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS (đạt 100% tàu cá hoạt động); 8 tàu cá đã ngừng hoạt động chưa lắp đặt thiết bị VMS (5 tàu đang thi hành án, 3 tàu chờ bán), các tàu này được các địa phương quản lý, giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật Hệ thống giám sát tàu cá cơ bản hoàn thiện, được chia sẻ quyền truy cập hệ thống đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan để quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống khai thác IUU. Công tác quản lý, vận hành, khai thác, xử lý thông tin, dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá được thực hiện nghiêm theo quy trình, quy định...
Theo đó, từ ngày 19/5 đến 10/9/2025, số lượt tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét mất kết nối trên 6 giờ đã phát hiện vi phạm hoặc nhận thông báo từ Cục Thủy sản là 499 lượt/167 tàu, trong đó Chi cục Thủy sản đã phát thông báo cho 167 tàu, các lực lượng chức năng đang xác minh xử lý vụ việc. Số lượt tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên mất kết nối trên 6 giờ là 65 lượt/17 tàu. Số lượt tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m mất kết nối trên 10 ngày là 61 lượt/61 tàu, đã xử lý 4 trường hợp với số tiền 100 triệu đồng. Số lượt tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên mất kết nối trên 10 ngày là 2 lượt/2 tàu, Chi cục Thủy sản đã phát thông báo cho 2 tàu và các lực lượng chức năng đang xác minh xử lý vụ việc. Đặc biệt trong thời gian này, Bình Thuận không có trường hợp tàu cá vượt ranh giới trên biển.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương đã thảo luận và phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tàu cá mất kết nối VMS còn phổ biến, trong đó nhấn mạnh chất lượng thiết bị VMS kém, dịch vụ bảo hành, sửa chữa không đảm bảo, thiết bị hư hỏng không biết liên hệ đơn vị nào. Ngoài ra, công tác phối hợp trong xác minh, xử lý các tàu vi phạm VMS có lúc, có nơi chưa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, theo Chi cục Thủy sản, việc sử dụng thông tin, dữ liệu được trích xuất từ Hệ thống giám sát tàu cá (gồm: phần mềm GSTC, thiết bị VMS) để làm căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt tàu cá mất kết nối VMS, tàu vượt ranh giới chưa được hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ xử phạt nên các cơ quan quyết định xử phạt còn lúng túng chưa dám triển khai thực hiện quyết liệt.
Sau khi nghe các ý kiến tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh đi vào hoạt động từ năm 2020 đặt tại Chi cục Thủy sản. Hiện đây là trung tâm đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin về VMS, do đó đề nghị Chi cục Thủy sản tổ chức trực ban đầy đủ, sớm phát hiện tàu cá mất kết nối và kịp thời chuyển ngay cho địa phương để xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh tăng cường nhân lực để phát huy hiệu quả của trung tâm.
Qua kết quả xử lý các trường hợp mất kết nối VMS, có thể thấy một số đơn vị còn e ngại, chưa mạnh dạn xử lý. Do đó, sắp tới Tổ công tác liên ngành cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường theo dõi, tiếp nhận, điều tra xác minh, xử lý vi phạm VMS. Vì đây là một trong những tiêu chí quan trọng EC sẽ kiểm tra để gỡ “thẻ vàng” IUU.
Nhiệm vụ trọng tâm đến 31/10, ông Chiến yêu cầu Chi cục Thủy sản rà soát toàn bộ các trường hợp vi phạm quy định về VMS từ tháng 10/2023 đến nay, xác minh, làm rõ, xử lý từng trường hợp cụ thể theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ, thiết bị VMS trên địa bàn tỉnh...