Bài dự thi Giải Cờ Đỏ Du lịch Bình Thuận vượt thách thức, đón cơ hội: Bài 2:   Trụ cột kinh tế thêm vững vàng

26/09/2023, 15:22

Ngoài đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh, gần đây địa phương còn được hưởng lợi nhờ tuyến cao tốc đường bộ đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo chính thức đưa vào sử dụng. Qua đó góp phần rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển đến “thủ đô resort” của du khách, tạo sức cạnh tranh cũng như gia tăng lượng khách cho điểm đến nổi bật với hình ảnh: Biển xanh - Cát trắng - Nắng vàng…

Những con số “biết nói”

Hướng đến phục vụ phát triển du lịch với nhiều tiềm năng và lợi thế, thời gian qua hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh đã được quan tâm đầu tư khá đồng bộ. Đặc biệt kể từ khi tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn Bình Thuận thi công hoàn thành, đưa đoạn Dầu Giây - Phan Thiết cùng đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo lần lượt thông xe đúng dịp lễ 30/4 và vào ngày 19/5 vừa qua đã tạo ra sức hút lớn đối với du khách… Lạc quan với yếu tố “thiên thời, địa lợi”, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận từng kỳ vọng có sự bùng nổ về lượng khách, đồng thời dự đoán khả năng địa phương sẽ đón 8.000.000 lượt khách trong năm nay.

du-khach-tam-bien-vui-choi-giai-tri-tren-bai-bien-hon-rom-mui-ne-anh-n.-lan-1-.jpg
Nhờ giao thông thuận tiện, điểm đến Bình Thuận luôn thu hút đông khách vào dịp lễ tết, cuối tuần...
tau-dua-don-du-khach-den-dao-phu-quy-anh-n.-lan-.jpg
Đông đảo du khách lựa chọn đảo Phú Quý là điểm đến trải nghiệm mới.

Thực tế cho thấy ngay trong mùa du lịch hè 2023 (kéo dài 3 tháng, từ tháng 6 - 8), toàn tỉnh đón tổng cộng 2.533.800 lượt khách - tức bình quân mỗi tháng thu hút khoảng 844.600 lượt. Còn dịp Lễ Quốc khánh mới diễn ra với thời gian nghỉ 4 ngày từ 1 - 4/9/2023, Bình Thuận cũng là số ít trong những điểm đến của cả nước duy trì tăng trưởng khá về lượng khách: Đón phục vụ 116.000 lượt, tăng 26% so cùng kỳ năm ngoái… Theo dự ước của Cục Thống kê, chỉ qua 3 quý đầu năm 2023 nhưng địa phương đã thu hút khoảng 6.984.300 lượt khách và tăng 75,8% so cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cũng giúp ngành du lịch hoàn thành vượt chỉ tiêu cả năm đề ra là đón 6.720.000 lượt khách trước 3 tháng, tính riêng khách quốc tế đạt 200.700 lượt khách, tăng gần 4 lần so cùng kỳ. Cũng trong 9 tháng qua, doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Thuận ước đạt hơn 17.675 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm trước và đạt 107,13% kế hoạch năm nay.

Cùng với thương hiệu Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận dần trở thành “điểm sáng” hút khách trên bản đồ du lịch Việt Nam thì cơ sở hạ tầng phục vụ lưu trú tại địa phương cũng được đầu tư tương xứng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho tất cả đối tượng du khách. Đến nay toàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú với hơn 19.000 phòng, hiện đã xếp hạng 61 cơ sở/5.610 phòng (riêng cơ sở hạng 3 - 5 sao có 4.060 phòng). Ngoài khách sạn - resort cao cấp, trên địa bàn tỉnh còn có loài hình căn hộ, biệt thự cho thuê và bãi cắm trại du lịch… qua đó mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho du khách khi đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí nơi đây.

Trụ cột thêm vững vàng

Hướng tới phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của Bình Thuận (bên cạnh công nghiệp - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao), do vậy nhận thức về vai trò, vị trí đối với lĩnh vực này tại địa phương cũng ngày càng nâng lên. Từ đó công tác liên quan quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, quảng bá xúc tiến điểm đến, quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh... luôn được quan tâm triển khai. Song song đó, Bình Thuận còn tạo môi trường thuận lợi trong thu hút dự án, nhất là với các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế để giữ vai trò định hướng, tạo đột phá phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp nhằm thu hút du khách và tăng thời gian lưu trú.

luot-van-buom-tren-bien-mui-ne-anh-n.-lan-2-.jpg
Đầu tư các sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp không những hướng tới thu hút đông du khách mà còn tăng thời gian lưu trú.

Tại Bình Thuận, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030. Trong đó có đặt mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng biển có tầm quốc tế cao ở Châu Á - Thái Bình Dương và hình thành các khu du lịch sinh thái, phát triển du lịch đảo Phú Quý là điểm du lịch quốc gia. Gần đây tỉnh cũng ban hành Kế hoạch “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Theo đó, địa phương sẽ tập trung phát triển du lịch thông minh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, quản lý Nhà nước ngày càng hiệu quả. Hướng tới góp phần nâng cao năng lực phát triển của du lịch Bình Thuận, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế…

Ngoài ra UBND tỉnh còn ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82 (ngày 18/5/2023) của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương cũng tính đến thực hiện phương châm: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

nhieu-resort-doc-bien-ham-thuan-nam-bo-hoang-anh-n.-lan-.jpg
Sở hữu bờ biển dài và đẹp, Bình Thuận vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch. 

Bình Thuận được biết đến là tỉnh duyên hải sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên, có thế mạnh về du lịch biển - đảo với hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp, ẩm thực phong phú, thời tiết ủng hộ cho các hoạt động du lịch ngoài trời. Đồng thời còn được đánh giá là địa phương có nhiều dư địa thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm theo xu hướng chung của những điểm đến hút khách trên bản đồ du lịch Việt Nam…

Chính vì vậy mà mới đây, Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, hướng đến thúc đẩy phát triển mạnh hoạt động kinh tế ban đêm ở địa phương, xây dựng Phan Thiết - Mũi Né và các điểm du lịch trở thành điểm đến sôi động, hấp dẫn đã được khởi động. Dự kiến khi triển khai thí điểm từ cuối năm 2023 (đầu tiên là tại TP. Phan Thiết), đề án này được kỳ vọng tạo động lực phát triển mang tính đột phá cho du lịch địa phương, từ đó giúp trụ cột kinh tế của tỉnh thêm vững vàng.

Nghị quyết 06 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế chiếm từ 10 - 12%) và doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân từ 18 - 20%/năm. Còn đến năm 2030 phấn đấu đón 16 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm từ 15 - 20%) và doanh thu đạt 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 từ 20 - 22%/năm… Với bước chuyển mình tích cực như hiện nay, trước mắt du lịch Bình Thuận nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đón khách và doanh thu đến năm 2025 là hoàn toàn có cơ sở.

QUỐC TÍN - NGỌC LÂN

Related articles
Lễ bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”: Tổ chức phải tương xứng với lễ khai mạc
Trong phiên họp mới đây, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất về việc tổ chức Lễ tổng kết và bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận Hội tụ xanh” theo đề nghị của Ban cán sự Đảng ủy UBND tỉnh và Lễ hội nghệ thuật biểu diễn thế giới lần thứ nhất năm 2023.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải Cờ Đỏ Du lịch Bình Thuận vượt thách thức, đón cơ hội: Bài 2:   Trụ cột kinh tế thêm vững vàng