Trong số này, các địa phương phải đạt hơn 90% ngay năm 2022 gồm: Hà Nội, TP. HCM, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Giang...
Việt Nam đã phủ bảo hiểm y tế được 91% dân số. Với mục tiêu trên, thêm 4% dân số sẽ được phủ bảo hiểm y tế từ nay đến năm 2025.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hộ gia đình cận nghèo, nghèo đa chiều sẽ được hỗ trợ về bảo hiểm y tế, với mục tiêu tất cả được tham gia. Các hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên được hỗ trợ để tăng tỷ lệ tham gia.
Các địa phương cần thường xuyên rà soát thông tin về lao động, tiền lương của các doanh nghiệp, xử lý tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đảm bảo tất cả học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế năm 2023. Đồng thời, bộ đưa việc học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế vào tiêu chí xếp loại, thi đua hàng năm của cơ sở giáo dục.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam được yêu cầu đôn đốc các địa phương có giải pháp mở rộng tỷ lệ phủ bảo hiểm y tế. Bộ Y tế chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ người tham gia bảo hiểm y tế; cải tiến quy trình thanh toán, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho người dân.
Gia tăng độ phủ bảo hiểm y tế từng là chủ đề được bàn luận sôi nổi tại nghị trường Quốc hội. Hồi tháng 10/2021, thảo luận ở tổ tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đề xuất cần có cơ chế khuyến khích người giàu tham gia bảo hiểm y tế, bởi gần 10% dân số chưa tham gia chủ yếu là nhóm này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, cho hay, người dân khi đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phản ảnh chất lượng dịch vụ không tốt, chờ đợi lâu, không được đối xử công bằng với khám dịch vụ. “Tôi có cảm giác ở thành phố lớn người dân ít mua bảo hiểm y tế”, ông nói.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết sắp tới sẽ sửa quy định theo hướng tất cả người dân phải được tiếp cận bảo hiểm y tế, thay vì “chỉ khi ốm đau mới đóng hoặc năm đóng, năm không”.