Xung đột Nga – Ukraine sẽ trở thành cuộc chiến không hồi kết?

10/07/2022, 09:30

Phương Tây lo ngại Tổng thống Putin sẽ không dừng chiến dịch quân sự thậm chí cả khi kiểm soát toàn bộ Donbass. Điều này làm dấy lên một câu hỏi lớn là liệu có phải cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài mà không có kết thúc?

Cuộc chiến ở Ukraine đã trải qua hơn 4 tháng và gây ra nhiều xáo trộn trên thế giới. Những lo ngại không chỉ dừng lại ở việc nguồn cung dầu thô bị gián đoạn hay giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao mà còn bởi những hành vi gây hấn giữa các bên có nguy cơ khiến xung đột leo thang thành một thảm họa tồi tệ hơn.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu khi nào cuộc chiến sẽ kết thúc. Lịch sử đã cho thấy có những cuộc chiến kéo dài nhiều năm. Cuộc xung đột giữa Hà Lan với quần đảo Scilly (thuộc Anh) đã kéo dài 335 năm. Hay gần đây hơn, cuộc chiến giữa Iran và Iraq cũng kéo dài tới 8 năm.

Về lý thuyết, chiến tranh sẽ chấm dứt khi các vấn đề dẫn đến chiến tranh được giải quyết trên chiến trường, tức là một bên chiến thắng và bên còn lại thất bại.

Chiến tranh cũng kết thúc khi các mục tiêu đạt được hoặc có những nhân tố cho thấy chúng rõ ràng không thể đạt được. Điều này đã xảy ra trong những cuộc xung đột ở Afghanistan, Syria, Libya và nhiều quốc gia khác. Hầu như không mấy bất ngờ khi câu hỏi được đặt ra nhiều nhất hiện nay là: Tại sao cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn chưa kết thúc?

Trước khi trả lời chi tiết câu hỏi này, cần trả lời trước 2 câu hỏi: Đó là vì sao cuộc chiến này xảy ra và điều gì đã xảy ra cũng như chưa xảy ra trong cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II này?

Nga cho biết chiến dịch quân sự ở Ukraine được tiến hành nhằm phi quân sự hóa Ukraine và "chấm dứt các hành vi diệt chủng" những người nói tiếng Nga của các "lực lượng tân phát xít" trong chính quyền Tổng thống Zelensky. Moscow cũng khẳng định nước này muốn Ukraine tuyên bố trung lập và thừa nhận Crimea thuộc Nga cũng như công nhận độc lập 2 nước cộng hòa nhân dân tự xưng là Donetsk và Lugansk ở khu vực Donbass.

Cục diện cuộc chiến ở Ukraine 

Tại phía Bắc Ukraine, thủ đô Kiev vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Ukraine. Nga đã rút khỏi Kiev vào tháng 4 và tập trung lực lượng về phía Đông. Trong khi đó, ở Đông Bắc Ukraine, thành phố Kharkiv tiếp tục chứng kiến sự phản kháng mạnh mẽ của quân đội Ukraine.

Ở phía Tây Ukraine, hồi tháng 3/2022, Nga đã kiểm soát được Odessa - cảng lớn nhất của Ukraine. Nga cũng đã kiểm soát được Đảo Rắn nhưng sau đó rút quân vào tháng 6. Lviv và một số khu vực khác vẫn chứng kiến những cuộc giao tranh dữ dội.

Ở phía Nam Ukraine, vào tháng 5, Mariupol đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga sau 2 tháng bao vây, cho phép quân đội Nga ở Crimea tham gia cùng các lực lượng ở Donbass giáp với Nga. Khu vực Kherson ở phía Nam Ukraine là nơi đầu tiên nằm dưới sự kiểm soát của Nga chỉ sau 1 tuần chiến tranh bùng nổ.

Ở Đông Nam Ukraine, cuối tuần trước, Nga đã kiểm soát hoàn toàn Lugansk, khu vực được sử dụng để tiếp cận Biển Đen. Điều đó tức là Nga hiện kiểm soát 1/5 lãnh thổ Ukraine. Cuộc chiến giành Donetsk cũng đã bắt đầu. Phương Tây lo ngại Tổng thống Putin sẽ không dừng chiến dịch quân sự thậm chí cả khi kiểm soát toàn bộ Donbass.

Trước đó, ngày 5/7, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin tuyên bố Ukraine đang làm mọi thứ khiến Nga không thể dừng lại ở biên giới các nước cộng hòa nhân dân tự xưng ở Donbass.

"Một số người đang đặt câu hỏi về mục tiêu của chúng tôi và khi nào tất cả những điều này sẽ kết thúc. Nó sẽ kết thúc khi các thành phố và thị trấn hòa bình của chúng tôi không còn bị nã pháo nữa. Những điều Ukraine đang làm buộc quân đội chúng tôi không thể dừng ở biên giới Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng bởi các cuộc không kích (vào các khu vực của Nga) đang đến từ khu vực Kharkiv và các khu vực khác của Ukraine", Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin bình luận.

Điều này đã dẫn đến một câu hỏi lớn, liệu có phải cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài mà không có kết thúc?

Cuộc chiến không có kết thúc

Thế giới đang hy vọng vào một lệnh ngừng bắn. Sau dầu mỏ, có nhiều mối lo ngại mới xuất hiện. Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine giữ vị trí thứ 5. Nguồn cung này đang bị gián đoạn. Nhưng khi nào lệnh ngừng bắn sẽ được thực thi? Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nhận định: "Chúng ta cần chuẩn bị cho cuộc chiến kéo dài". Tổng thống Nga Putin cũng khẳng định không có hạn chót cho chiến dịch quân sự này.

Trên thực tế, những gì diễn ra ở Ukraine đang trở thành cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ. Sự ủng hộ của phương Tây với Tổng thống Zelensky cho tới nay có thể phần nào ngăn cản Nga giành chiến thắng nhưng điều đó chỉ kéo dài cuộc chiến.

Với sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine tin rằng bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra nếu nước này được cung cấp thêm vũ khí. Ông Zelensky hiện tại không muốn đàm phán bởi điều đó sẽ đồng nghĩa với việc Kiev phải chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ. Tổng thống Zelensky ngày 7/7 khẳng định Ukraine sẽ không chấp nhận nhượng bộ bất kỳ phần lãnh thổ nào.

Trong khi đó, một câu hỏi nữa đặt ra là nếu Nga giành trọn Donbass, liệu có bất kỳ điều gì thay đổi hay không? Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines cho rằng, Tổng thống Putin sẽ không kết thúc cuộc chiến ở Ukraine sau chiến dịch ở Donbass.

Ngoài ra, Mỹ và phương Tây có lẽ đang làm những gì có thể để ngăn Ukraine bị đánh bại nhưng việc tạo điều kiện để Ukraine giành chiến thắng lại là vấn đề khác.

Chính quyền Tổng thống Biden và các nước châu Âu đổ hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời không ngừng gia tăng sức ép lên Nga qua các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, một số quan chức ở Kiev và Washington vẫn cho rằng sự hỗ trợ đó là chưa đủ. Trong những tháng qua, thông điệp từ Kiev và các nước Đông Âu là phương Tây cần tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Họ cũng chỉ trích sự trì hoãn những đợt vận chuyển này và cho rằng phương Tây có thể làm nhiều hơn hiện tại.

Tổng thống Zelensky cho biết nước này đang thiếu các hệ thống phòng không tiên tiến để bảo vệ các thành phố của Ukraine trước các cuộc không kích tên lửa của Nga nhưng phương Tây dẫn ra rằng những hệ thống trên thường mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các thủ tục chuyển giao./.

VOV.VN

Related articles
Tổng thống và thủ tướng Sri Lanka từ chức, Chủ tịch Quốc hội tạm nắm quyền
Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka đã đồng ý từ chức vào ngày 9/7, ngày hỗn loạn nhất tại quốc gia này sau nhiều tháng bất ổn chính trị.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung đột Nga – Ukraine sẽ trở thành cuộc chiến không hồi kết?