Đây là đợt sơ tán y tế lớn nhất tại dải đất ven biển Địa Trung Hải này kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái.
Theo WHO, đợt sơ tán này gồm 50 người lớn và 35 trẻ em là những bệnh nhân mắc các bệnh nghiêm trọng như ung thư, các bệnh về máu và chấn thương nặng, đi cùng với 63 thành viên gia đình và nhân viên chăm sóc y tế. Người bệnh được sơ tán qua cửa khẩu Kerem Shalom, sau đó đến sân bay Ramon gần thành phố Eilat ở miền Nam Israel, trước khi đến thủ đô Abu Dhabi của UAE bằng đường hàng không.
Hoạt động sơ tán đã diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn, do đường sá hư hỏng và lo ngại về tình hình an ninh trong bối cảnh xung đột chưa chấm dứt.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng đợt sơ tán y tế này sẽ mở đường cho khả năng thiết lập những hành lang sơ tán tiếp theo, thông qua mọi ngả đường khả thi, trong đó có cửa khẩu Kerem Shalom và Rafah đến Ai Cập và Jordan, để từ đó tiếp tục đến những quốc gia khác có thể tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân từ Gaza. Ông cũng kêu gọi nối lại hoạt động sơ tán đến Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem.
Theo số liệu của cơ quan y tế ở Gaza, gần 91.000 người ở dải đất ven biển này bị thương kể từ khi nổ ra xung đột hồi tháng 10/2023. Khoảng 5.000 người đã được chuyển đến các địa điểm bên ngoài Gaza để điều trị, trong đó hơn 80% bệnh nhân được chuyển đến Ai Cập, Qatar và UAE. Tuy nhiên, WHO cho biết trên 10.000 người khác vẫn đang cần sơ tán khỏi Gaza để có cơ hội được chăm sóc y tế.
Giám đốc của WHO tại khu vực Đông Địa Trung Hải, bà Hanan Balkhy kêu gọi các nước Trung Đông tăng cường hỗ trợ y tế cho các bệnh nhân Palestine sơ tán, trong bối cảnh hệ thống y tế ở Gaza đang trong tình trạng quá tải và bị tàn phá nặng nề. Bên cạnh đó, hiểm họa từ hàng trăm nghìn tấn chất thải sinh hoạt và các đống đổ nát cũng đang đặt ra tình trạng báo động đối với sức khỏe và điều kiện sống của người dân Gaza.
Trong một đánh giá mới đây, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) quan ngại về cuộc khủng hoảng vệ sinh môi trường ngày càng trầm trọng khi hệ thống quản lý rác thải rắn ở Gaza sụp đổ, rác thải chất đống tại hơn 140 bãi rác tạm. Thực trạng này đe dọa điều kiện sống và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Theo Cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), các trung tâm y tế và khu tạm trú trên khắp Gaza ghi nhận từ 800 - 1.000 ca mới mắc bệnh viêm gan A mỗi tuần. Tình trạng thiếu nước và vệ sinh kém đang đẩy nhanh tốc độ lây lan các bệnh.
Trong khi đó, cơ quan y tế ở Dải Gaza xác nhận khu vực này đã trở thành vùng dịch sau khi phát hiện virus gây bệnh bại liệt trong các mẫu nước thải.
Theo cơ quan này, chủng CPV2 (virus bại liệt type 2) đã được phát hiện trong các mẫu nước thải thu thập từ khu vực Khan Yunis ở phía Nam và các khu vực khác ở trung tâm Gaza. Tuy nhiên, cơ quan này không cho biết liệu đã phát hiện bất kỳ trường hợp nhiễm virus nào ở người hay không, song lưu ý sự hiện diện của virus gây ra mối đe dọa sức khỏe đối với người dân ở Gaza và các quốc gia lân cận, hệ quả là có thể đẩy lùi những tiến bộ mà cộng đồng quốc tế đạt được trong nỗ lực xóa sổ bệnh bại liệt.