Xuất khẩu hàng hóa: Bình Thuận hướng tới những mốc mới

26/01/2023, 11:23

BTO-Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong năm vừa qua tiếp tục thể hiện “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của tỉnh, và đó là cơ sở để Bình Thuận hướng tới những mốc mới trong thời gian đến…

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận trong năm 2022 ghi nhận đạt 775,9 triệu USD, con số này tăng hơn 23% so năm trước đó và tăng 67,35% so thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát (năm 2019). Trong đó nhóm hàng thủy sản thực hiện 245,88 triệu USD (tăng 42,45%) và nhóm hàng nông sản đạt 14,77 triệu USD (giảm 19,47%), còn nhóm hàng hóa khác đóng góp nhiều nhất với 515,25 triệu USD (tăng 17,26%).

img_0034.jpg
May mặc - một trong những sản phẩm xuất khẩu đóng góp kim ngạch đáng kể cho địa phương (Ảnh minh họa).

Thực tế sau đại dịch, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Bình Thuận vẫn cho thấy tín hiệu khởi sắc và tiếp tục chạm mốc mới - vượt con số 775 triệu USD. Dù vậy, sự tăng trưởng giữa các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là không đồng đều, trong khi nhóm hàng thủy sản và hàng hóa khác tăng trưởng khá cao thì nhóm hàng nông sản lại giảm mạnh so cùng kỳ năm trước đó. Thêm nữa là, thị trường xuất khẩu ngày càng đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật để kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi hầu hết doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tại địa phương đa số có quy mô nhỏ, nguồn vốn ít, công nghệ chế biến chưa cao nên sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế…

Vì thế để chạm những mốc mới mà trước mắt trong năm 2023 phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch đạt 819 triệu USD, địa phương và ngành Công Thương sẽ tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế cũng như phát huy lợi thế trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối cung cầu nhằm tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để đẩy mạnh sản xuất lẫn xuất khẩu, nhất là ở nhóm hàng thủy sản và nông sản (cao su, thanh long…).

Ngay trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bình Thuận đến năm 2030. Qua đó xác định mục tiêu và định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh đến năm 2030, nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững…

Bên cạnh đó còn hướng tới duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và sản phẩm có lợi thế của Bình Thuận. Đồng thời khuyến khích, tăng cường chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Chú trọng nâng cao chất lượng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, tăng số lượng xuất khẩu chính ngạch và phát triển thương hiệu sản phẩm, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch.

Kế hoạch này cũng đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 thực hiện kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt giá trị 930 triệu USD, còn đến năm 2030 chạm mốc 1.240 triệu USD, đưa tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7,81%/năm. Cùng với đó sẽ tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 12,5%/tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và nâng lên 15,5% vào năm 2030. Ngoài ra còn tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

Theo định hướng phát triển sản phẩm xuất khẩu trong những năm tới đây, thủy hải sản là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Thuận có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế. Trong khi nhóm hàng nông sản sẽ chuyển dịch cơ cấu theo hướng chế biến sâu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, thực hiện nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, có sức cạnh tranh và vượt qua rào cản của các nước nhập khẩu. Còn với nhóm công nghiệp chế biến - chế tạo là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, bao bì...

Trong hoạt động xuất khẩu, địa phương cũng tăng cường tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản xuất khẩu, hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống riêng biệt, giàu bản sắc văn hóa cùng một số sản phẩm OCOP 4 - 5 sao của tỉnh tham gia xuất khẩu. Tích cực kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư hạ tầng khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo mặt bằng thu hút đầu tư sản xuất - kinh doanh những sản phẩm mới để tham gia xuất khẩu.

Ngoài các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á, địa phương còn vận dụng ưu thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu vào châu Âu - thị trường có dung lượng lớn và nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Bình Thuận. Đối với châu Mỹ thì tập trung chiến lược xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, giấy..., mặt khác sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới.

Đ.QUỐC

Related articles
Đức Linh tập trung phát triển kinh tế
Nỗ lực triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhờ vậy tình hình kinh tế trên địa bàn huyện Đức Linh tiếp tục tăng trưởng khá…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu hàng hóa: Bình Thuận hướng tới những mốc mới