Trong 5 tháng đầu năm 2023, các đơn vị đã xử phạt 137 trường hợp vi phạm/thu phạt 906,7 triệu đồng, chủ yếu là các hành vi vi phạm như: tàu cá hoạt động không đăng ký (24 vụ); sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác (16 vụ); tàng trữ công cụ, kích điện để khai thác hải sản (8 vụ); không có bằng thuyền trưởng, máy trưởng (11 vụ); người làm việc trên tàu không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên (28 vụ); tàu cá không thực hiện quy định về giám sát hành trình (4 vụ) và các hành vi khác (46 vụ). Tuy vậy, việc xử lý vi phạm khai thác IUU vẫn còn hạn chế, chưa nghiêm; nhiều hành vi vi phạm được EU khuyến nghị như hoạt động khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; không ghi, không nộp nhật ký khai thác/báo cáo khai thác; không khai báo khi ra vào cảng cá; tàu cá mất kết nối VMS trên biển... trên thực tế còn phổ biến nhưng việc xử lý rất ít hoặc chưa xử lý.
Thời gian tới, lực lượng Biên phòng sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan pháp luật, cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền các địa phương liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, xử phạt mức tối đa theo khung pháp luật quy định đối với chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp đối với các trường hợp đã phát hiện từ cuối năm 2020 đến nay. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp: tàu cá hoạt động vùng khơi đã được lực lượng chức năng cảnh báo nhưng vẫn cố tình vi phạm kể cả trường hợp không bị phía nước ngoài bắt giữ; tàu cá thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh, không chấp hành quy định pháp luật về điều kiện hành nghề, thuộc đối tượng có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài nhằm cảnh báo, răn đe trước tình hình đang có chiều hướng phức tạp hiện nay. Đồng thời, các lực lượng chức năng (Kiểm ngư, Biên phòng), chính quyền cấp huyện, cấp xã vào cuộc quyết liệt, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi khai thác IUU theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là các hành vi vi phạm về IUU xảy ra phổ biến như trên.