Xe vi phạm chất đống lãng phí: Ai chịu trách nhiệm?

20/03/2023, 16:15

Nhiều xe tang vật, xe vi phạm được cơ quan công an nhiều nơi tạm giữ đang chất đống hư hỏng, biến dạng tại các kho bãi dưới trời mưa nắng do điều kiện bảo quản kém. Lãng phí tài sản này ai phải chịu trách nhiệm?

Có lẽ cần phải minh định ngay từ đầu, rằng không có bất cứ quy định nào về xử phạt hành chính đối với phương tiện, bởi bản thân phương tiện không gây ra lỗi.

bai_giu_xe.jpg

Phương tiện giao thông là tài sản của người dân, không thể vì những lỗi hành chính của người điều khiển mà thu giữ như tang vật gây án, đặc biệt là sau khi thu giữ không có đủ điều kiện để bảo quản, gìn giữ.

Tuy nhiên, thu giữ “bỏ tù” phương tiện là một trong những chế tài bổ sung cho hầu hết lỗi vi phạm hành chính của con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Những chiếc xe, trong trường hợp này, được coi là tang vật vi phạm hành chính.

Chế tài xử phạt lỗi vi phạm hành chính, về nguyên tắc là nhắm tới mục đích tác động tới nhận thức để thay đổi hành vi của người phạm lỗi, thường là bằng việc phạt tiền, hoặc lao động công ích. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giao thông, hầu hết các lỗi vi phạm hành chính đều áp dụng hình phạt bổ sung, là thu giữ bằng lái, và phương tiện mà người phạm lỗi sử dụng.

Và phương tiện mà người vi phạm sử dụng được coi là tang vật, như tang vật trong các vụ án. Điều này không ổn về mặt ngữ nghĩa. Bởi lỗi hành chính không thành án, và người vi phạm không bị áp vào các tội danh hình sự.

Vì thế, cái phương tiện mà họ sử dụng, vì thế cũng không thể được coi là tang vật gây án, không cần thiết với vai trò tang chứng, vật chứng. Vậy thì ý nghĩa thực sự của việc thu giữ phương tiện vì lỗi vi phạm hành chính là gì?

Nếu như việc thu giữ phương tiện như một hình phạt bổ sung là cần thiết để tăng khả năng nhận biết, ghi nhớ lỗi của người vi phạm, thì điều đó hoàn toàn có thể thay đổi bằng việc tăng mức phạt tiền.

Cũng có ý kiến từng cho rằng, việc giữ phương tiện, với giá trị cao, được coi là một sự đảm bảo để người vi phạm có trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành hình phạt, cụ thể là nộp tiền phạt.

Tôi cho rằng suy nghĩ này không nên tồn tại, bởi lực lượng chấp pháp nhà nước không thể áp dụng lối hành xử kiểu giang hồ là cầm giữ tài sản của công dân để làm tin. Thay vào đó, cần có những công cụ chấp pháp văn minh, và nghiêm túc hơn.

Nhìn những bãi xe hàng ngàn chiếc nằm phơi mưa nắng, thỉnh thoảng lại trở thành nguồn gây hỏa hoạn, chúng ta cần thấy đây không phải chỉ là vấn đề về điều kiện, và khả năng trông giữ phương tiện của lực lượng chấp pháp mà còn là vấn đề pháp lý. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước việc tài sản của nhân dân bị hủy hoại một cách vô lối như vậy?

Đó không phải là lỗi của người dân, họ vi phạm hành chính thì họ phải nộp phạt theo quy định, nếu không thực hiện nghĩa vụ đó, họ có thể bị truy tố vì tội danh không chấp hành quy định của pháp luật. Không thể trừng phạt lỗi vi phạm hành chính của họ bằng cách hủy hoại tài sản.

Đó cũng không phải là lỗi của lực lượng thực thi công vụ. Bởi họ chỉ làm theo quy định đã được ban hành và có hiệu lực, dù không đủ khả năng để ngăn những hệ lụy từ việc đó.

Vì thế, lỗi nằm ở quy định pháp luật được thiết kế không hợp lý, không đảm bảo tính khả thi khi áp dụng, và gây hậu quả tổn hại tới tài sản của nhân dân, cũng như gây khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật.

Lỗi của quy định thì cần phải khắc phục bằng cách sửa chữa quy định. Đã đến lúc cần bỏ chế tài thu giữ phương tiện đối với lỗi vi phạm hành chính.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Bộ GTVT trình Chính phủ giải pháp gỡ khó khăn cho đăng kiểm
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ ban hành nghị quyết về việc thực hiện các giải pháp cấp bách trong việc bảo đảm đăng kiểm xe cơ giới nhằm bù đắp năng lực bị thiếu hụt.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xe vi phạm chất đống lãng phí: Ai chịu trách nhiệm?