Không khí đầm ấm, hạnh phúc là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Lành (thôn Văn Phong, xã Mương Mán). Những cử chỉ chăm sóc, yêu thương của cha mẹ dành cho con và thái độ hiếu kính của con cháu với ông, cha mẹ là yếu tố quan trọng để các thành viên trong gia đình ông gìn giữ nề nếp gia phong. Ông Lành luôn tâm niệm: “Muốn giáo dục con, cháu chăm ngoan, biết kính trên nhường dưới thì cha mẹ phải sống mực thước, các thành viên phải biết nhường nhịn, thương yêu nhau”. Chính quan điểm nuôi dạy con và xây dựng gia đình được ông răn dạy nghiêm khắc, quy củ từ khi còn nhỏ nên các con đều trưởng thành, có công việc ổn định và tích cực tham gia vào hoạt động xã hội.
Bằng lối sống gương mẫu, trân trọng các giá trị tốt đẹp của gia đình và trách nhiệm với cộng đồng, những gia đình như của ông Lành đang góp phần nêu gương, lan tỏa phong trào vun đắp văn hóa gia đình, xây dựng thôn, xóm đoàn kết, gắn bó.
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hàm Thuận Nam, xây dựng gia đình văn hóa là 1 trong 7 nội dung trong phong trào TDĐKXDĐSVH và trở thành nội dung quan trọng hàng năm. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc. Vì thế, hàng năm Ban chỉ đạo phong trào huyện đều có kế hoạch tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa. Chỉ đạo các địa phương tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ, phổ biến pháp luật với chủ đề xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình trong Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam. Đặc biệt huy động hội, đoàn thể cùng vào cuộc thành lập các mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình hiếu học... Trong đó chú trọng nâng cao thể lực, tầm vóc, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống cho các thành viên.
Bên cạnh đó, bảo đảm công khai, dân chủ trong đăng ký, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Các gia đình văn hóa là những hạt nhân tích cực trong nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua, là những điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh. Đồng thời, cũng là điểm tựa vững chắc trong việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội tại địa phương. Tính riêng năm 2021, toàn huyện có 28.810/29.696 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Kết quả bình xét có 27.508 hộ gia đình được công nhận, đạt 95,48% (tăng 0,37% so năm 2020).
Tuy nhiên, do tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường khiến công tác gia đình đang đứng trước nhiều thách thức không hề nhỏ. Đó là sự xung đột giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục tốt đẹp với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện đại trong gia đình. Đó là tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên dẫn đến gia đình thiếu ổn định, bền vững hay tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn, bất bình đẳng giới... Những tác động này cho thấy, để xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc còn cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH Hàm Thuận Nam xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để mỗi cá nhân nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội. Cũng như chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn bổ sung nội dung quy ước, hương ước và nêu gương khen thưởng những tập thể, cá nhân, thôn văn hóa, khu phố văn hóa điển hình, giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.