Xăng dầu tăng kỷ lục: Áp lực nhiều ngành nghề

14/03/2022, 06:49

Trước Tết Nguyên đán 2022, xăng dầu tăng đã đẩy cước phí vận tải, nguyên phụ liệu, hàng hóa đầu vào tăng theo, khiến nhiều doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng điêu đứng. Đến chiều 11/3, xăng dầu lại lập kỷ lục mới, gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, khiến nhiều doanh nghiệp “ngấm đòn”.

cua-hang.jpg.jpg

1. Áp lực nhất có lẽ là ngành kinh doanh vận tải hành khách. Với ngành này, xăng dầu bình quân chiếm khoảng 35 - 40% tổng chi phí đầu vào nên việc giá xăng dầu tăng chưa có điểm dừng từ cuối năm ngoái khiến doanh nghiệp lỗ nặng. 2 năm dài, nhiều doanh nghiệp vận tải đối mặt khó khăn vì Covid-19, nhiều xe nằm yên trong bãi nhiều tháng liền, đến khi được hoạt động trở lại thì khách thưa vắng. Do đó, việc tăng giá cước dù được nhiều doanh nghiệp tính đến cũng chưa thể thực hiện được do lượng khách ít ỏi. Các doanh nghiệp vận tải cho biết, họ chỉ đang hoạt động 50% công suất vì lượng khách sau tết giảm đáng kể, trong khi đó từ cuối năm 2021 đến nay, xăng dầu đã tăng đạt gần 50%, khiến doanh nghiệp khó chồng khó. Khi giá xăng dầu tăng 30 – 40%, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh cước vận tải khoảng 10%. Nhưng hiện nay, giá xăng dầu chưa có dấu hiệu dừng lại, nên nhiều doanh nghiệp vận tải chưa biết tăng giá ra sao, tăng cao thì mất khách, tăng ít thì bù lỗ! Nhiều người thẳng thắn nhìn nhận, nếu giá xăng dầu không giảm trong thời gian sớm, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh phá sản. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tạm dừng thu thuế môi trường, giảm các thuế khác để hỗ trợ và dìu doanh nghiệp qua cơn khó khăn này. Trước đó, ông Dương Đức Ý – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Bình Thuận cũng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh và kiến nghị UBND tỉnh xem xét, quan tâm tạo điều kiện cho hiệp hội xây dựng quỹ bảo trợ cho vay có lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp vận tải “cầm cự” lúc khó khăn này.

thuyen.jpg
Nhiều tàu thuyền vẫn nằm bờ.

2. Cùng với doanh nghiệp vận tải, thì ngành thủy sản cũng đối mặt với muôn vàn sóng gió. “Thuyền to thì sóng lớn”, câu nói của người xưa hiện đang rất đúng khi hầu hết ngư dân đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Từ sau Tết Nguyên đán, hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ trong tỉnh vẫn neo ở bến. Thuyền nhỏ còn không dám vươn khơi, thì những tàu công suất lớn càng không dám liều lĩnh. Một phần vì thời tiết, phần thiếu lao động, ngư trường cạn kiệt, nhưng nguyên nhân chính vẫn là giá dầu liên tục lập kỷ lục mới. Theo các ngư dân, trung bình mỗi chuyến biển 15 – 20 ngày, sẽ mất khoảng 100 – 120 triệu đồng chi phí nhiên liệu. Từ ngày xăng dầu tăng, chi phí này đã đội lên gần 200 triệu đồng, nên mỗi chuyến ra khơi may ít rủi nhiều. Trong đó, phải nhắc đến những chiếc “tàu 67”, đội tàu này dường như án binh bất động từ cuối năm ngoái vì liên tục thua lỗ, không trả được nợ ngân hàng dù đã được Nhà nước hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, hỗ trợ dầu theo Quyết định 48… Giá dầu tăng cao như hiện tại càng khiến những “tàu 67” nằm bờ vô thời hạn. Để đối phó với khó khăn trên, nhiều tàu đã đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để dò cá, cũng như liên kết đánh bắt theo tổ, đội, nhóm, nghiệp đoàn gắn với tổ chức dịch vụ hậu cần nhằm tiết giảm nhiên liệu và tăng hiệu quả khai thác đánh bắt. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, bởi những tàu công suất càng lớn, đi càng dài ngày, càng dễ thua lỗ khi giá hải sản vẫn nằm ở mức thấp.

Xăng dầu leo thang sẽ kéo theo nhiều mặt hàng, ngành hàng, dịch vụ buộc phải tăng theo, vì thế người tiêu dùng sắp đối mặt với nhiều chi phí không tên, dù lương vẫn giậm chân tại chỗ. Lần tăng giá thứ 7 liên tiếp này sẽ là áp lực rất lớn với nhiều doanh nghiệp, ngành nghề chỉ mới hồi phục sau cơn đại dịch.

SONG NGUYÊN

Related articles
Triển khai một số giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản
BTO - Hôm nay (11/3), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đã có văn bản đến các sở, ngành, địa phương liên quan để triển khai một số giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xăng dầu tăng kỷ lục: Áp lực nhiều ngành nghề