Xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch

04/10/2022, 06:03

Bình Thuận là vùng khô hạn, ít mưa, nhiều nắng, nên trữ lượng nước ngầm hạn chế. Những năm gần đây, các vùng nông thôn Bình Thuận được quan tâm đầu tư công trình nước sạch, góp phần giải quyết cấp nước hợp vệ sinh tạo điều kiện nâng cao đời sống và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

065_0212.mxf_snapshot_00.01.jpg
Thi công cấp nước sạch trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam.

Hiện trên các địa bàn nông thôn trong tỉnh có 80 xã được đầu tư công trình cấp nước tập trung (còn 13 xã chưa được đầu tư công trình cấp nước). Tổng số hộ được sử dụng nước máy đạt 54,8%; còn lại các hộ khác sử dụng nguồn nước từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ như: Giếng đào, giếng khoan… Nhờ vậy, đến nay, khu vực nông thôn Bình Thuận có 98,64% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 0,13% so với cuối năm 2020. Trong đó, có 66,69% hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tăng 3,31% so năm 2020; bình quân giai đoạn 2016-2021 số hộ sử dụng nước sạch tăng hàng năm khoảng 3,22%. Nếu theo mức tăng bình quân như trên thì đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có 99% hộ vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và 75% hộ sử dụng nguồn nước sạch đạt quy chuẩn Việt Nam.

dsc_7504.jpg

Tuy nhiên, tại một số vùng nông thôn vẫn chưa được cấp nước đầy đủ nhu cầu nước sinh hoạt, mặc dù có xã đã đạt nông thôn mới nhiều năm nay như: Xã Phan Hòa, Phan Rí Thành (Bắc Bình) vẫn thiếu nước cục bộ trong mùa khô… Đối với khu vực xã Phan Hòa, xã Phan Rí Thành hiện có 2 nhà máy cấp nước sinh hoạt. Trong đó, Nhà máy cấp nước sinh hoạt Phan Hòa – Phan Rí Thành có công suất thiết kế 700 m3/ngày do Ban Quản lý công trình công cộng huyện Bắc Bình quản lý và Nhà máy nước Sông Mao có công suất 5.000 m3/ngày do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận quản lý, khai thác và cấp nước sạch cho người dân sử dụng.

Đến thời điểm này tại 2 xã Phan Hòa và Phan Rí Thành có 100% hộ dân sử dụng nước sạch từ 2 nhà máy nói trên. Riêng Nhà máy cấp nước Phan Hòa – Phan Rí Thành sử dụng nguồn nước ngầm từ giếng đào, giếng khoan tầng nông (giếng sâu 7-10 m), xử lý nước qua hệ thống dàn mưa, lắng đứng, lọc cát nhanh, khử trùng bằng Clo, chất lượng nước đạt quy chuẩn. Tuy nhiên, vào những tháng mùa khô nguồn nước ngầm bị cạn kiệt nên thiếu nước cục bộ…

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu chuyển giao Nhà máy nước Phan Hòa cho Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận quản lý để nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước, nhằm cung cấp ổn định nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân hai xã nói trên. Mặt khác, để thực hiện mục tiêu bao phủ 75% hộ có nước sạch và 99% hộ vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh vào năm 2025, Sở Nông nghiệp - PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và nhu cầu vốn trong những năm tới. Trong đó giai đoạn 2021-2025 có 41 danh mục công trình cấp nước với nhu cầu kinh phí khoảng 646,627 tỷ đồng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn trung ương hỗ trợ. Ngoài ra, các địa phương tích cực thực hiện phương châm xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân vùng nông thôn.

NHẬT HOÀNG

Related articles
Nước sạch cho 3 xã Hàm Kiệm, Hàm Cường và Hàm Minh
Nhằm đáp ứng nhu cầu và góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân ở một số xã trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, những năm qua, tỉnh quan tâm đầu tư nhiều công trình nước sạch cho địa phương và đã phát huy hiệu quả.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch