Vụ đông xuân 2021-2022: Cảnh báo sâu bệnh hại trên cây lúa

29/12/2021, 08:47

BTO - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) vừa kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa tại thôn Liêm Bình, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc và phát hiện trên trà lúa đông xuân sớm xuất hiện bệnh đốm nâu, bệnh đạo ôn và sâu đục thân đang phát sinh gây hại.

Trước tình hình trên, để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, phát triển và gây hại trên diện rộng, Chi cục Trồng trọt và BVTV đề nghị Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân một số biện pháp quản lý sâu bệnh hại. Tăng cường điều tra, dự tính dự báo tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa để kịp thời phát hiện và hướng dẫn  nông dân phòng trừ có hiệu quả. Mặt khác, triển khai các lớp tập huấn nông dân, hướng dẫn  nông dân cách nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại trên lúa.

z3061522970273_a1e80ceb66a8c90fd74daff019e9330a(1).jpg
Chăm sóc lúa tại Hàm Thuận Bắc

Cụ thể, đối với bệnh đốm nâu hại lúa, cần gieo sạ mật độ hợp lý, bón phân cân đối, đảm bảo cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức chống chịu với bệnh. Đối với những ruộng đã bị nhiễm bệnh đốm nâu, cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại và tàn dư rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nguồn bệnh lây lan qua vụ sau và những ruộng xung quanh. Chọn giống sạch bệnh, xử lý hạt giống trước khi gieo. Trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng một trong các loại thuốc BVTV để phun trừ nấm bệnh như Azoxystrobin + Difenoconazole, Difenoconazole + Propiconazole...

z3061527289710_42a69b4277f15c7e83cb4c4e509a9580(1).jpg
Sâu bệnh, ốc bươu vàng gây hại trên lúa

Với bệnh đạo ôn hại lúa, biện pháp mang lại hiệu quả nhất là chọn giống kháng bệnh và xử lý hạt giống trước khi gieo. Đồng thời, gieo sạ mật độ hợp lý, bón phân cân đối, hạn chế bón phân đạm cao, đảm bảo cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức chống chịu với bệnh. Riêng những ruộng bị nhiễm bệnh đạo ôn, ngừng bón đạm và ka li. Sử dụng một trong các loại thuốc BVTV để phun trừ nấm bệnh như Tricyconazole, Azoxystrobin + Difenoconazole…

Ngoài ra, để phòng trừ bệnh sâu đục thân hại lúa, sau mỗi vụ thu hoạch, cần tiến hành cày lật gốc rạ và vệ sinh đồng ruộng để tiêu diệt nhộng sâu đục thân. Phát quang, làm sạch cỏ quanh bờ mương, bờ ruộng. Nếu bị sâu đục thân gây hại ở giai đoạn mạ (dưới 25 ngày tuổi), thì rải phân bổ sung và dặm tỉa. Hạn chế sử dụng thuốc hóa học trước 40 ngày sau sạ để bảo vệ nguồn thiên địch có trong ruộng lúa. Phun thuốc sau khi bướm rộ 5-7 ngày là biện pháp kinh tế nhất, lựa chọn các loại thuốc mang tính lưu dẫn.

Được biết,  Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia,  dự báo thời tiết 3 tháng đầu năm 2022 sẽ có nhiều diễn biến thất thường. Do đó, có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại trên cây lúa vụ đông xuân.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xuống giống khoảng 21.000 ha/47.640 ha kế hoạch. Trong đó, một số địa phương như Tánh Linh 7.580 ha, Bắc Bình 6.800 ha, Hàm Thuận Bắc 3.800 ha, Đức Linh gần 2.000 ha.

KIỀU HẰNG

Related articles
Sâu bệnh và giá cả ảnh hưởng việc canh tác cây lâu năm
BT- Điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết Bình Thuận thích hợp với việc canh tác cây lâu năm, nhất là các loại cây công nghiệp và cây ăn quả miền nhiệt đới. Hiện toàn tỉnh đã trồng và đang chăm sóc 109.510 ha cây lâu năm. Trong đó, cây công nghiệp 63.247,7 ha, cây ăn quả 44.551,8 ha, các loại cây lâu năm còn lại 1.710,8 ha. Tuy nhiên do tình hình sâu bệnh và giá cả của một số loại nông sản không ổn định nên ảnh hưởng đến việc tăng diện tích cây lâu năm.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ đông xuân 2021-2022: Cảnh báo sâu bệnh hại trên cây lúa