Cao nhất tỉnh
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, La Gi ghi nhận 119 ca TCM và 8 ổ dịch, xuất hiện 9/9 xã, phường. Trong đó, có 2 ca tử vong tại xã Tân Bình và Tân Tiến. Số ca mắc bệnh này tăng 3,71 lần so cùng kỳ năm 2022 (32 ca). Các địa phương có ca mắc /10.000 dân ở mức cao là Tân Tiến 36,38/10.000 dân (30 ca), Tân An 31,22/10.000 dân (22 ca), Bình Tân 24,69/10.000 dân (3 ca). Riêng số ca tay chân miệng của La Gi trong tháng 7/2023 là 78 ca, tăng cao đột biến vượt ngưỡng cảnh báo dịch bệnh TCM tại địa phương.
Sự phân bố bệnh theo nhóm tuổi gồm dưới 1 tuổi có 13 ca, chiếm 10,9%; 1- 2 tuổi có 67 ca, chiếm 56,3%; 3-5 tuổi có 33 ca, chiếm 27,7% và trên 5 tuổi có 6 ca chiếm 5%. Tỷ lệ ghi nhận mắc bệnh chủ yếu ở nhà chiếm 79,8%, tương ứng 91 ca; 20,1% tại trường học và nhóm trẻ, tương ứng 24 ca. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện với 31 mẫu TCM để phân lập vi rút, trong đó 11 mẫu có kết quả EV71, 10 mẫu có kết quả âm tính và 10 mẫu chưa có kết quả.
Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch - Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: La Gi có số ca mắc TCM cao nhất tỉnh. Với 119 ca, đây là cảnh báo cao nhất, bệnh này đang có chiều hướng gia tăng. Theo các chuyên gia, chủng vi rút EV71 xuất hiện gây bệnh trở nặng và dẫn đến tử vong. Vì vậy, trong khoảng thời gian ngắn, La Gi ghi nhận 2 ca tử vong về TCM.
Khó khăn hiện nay
Trung tâm Y tế La Gi cho biết: Đến thời điểm hiện nay, nguồn kinh phí cho công tác phòng chống dịch không có. Về vật tư hóa chất, trung tâm còn tồn 5kg Cloramin B 70%, với hạn dùng tháng 7/2023 và gửi dự trù đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thêm 70 kg. Cuối tháng 7/2023, trung tâm không còn Cloramin B để xử lý ổ dịch, đáp ứng các tình huống chống dịch tại địa phương. Trong khi đó, La Gi có nhiều ca TCM nhiễm chủng vi rút nguy hiểm EV71, nên khiến tỷ lệ mắc và trở nặng tăng cao. Dự báo, tình hình dịch bệnh TCM đang diễn biến phức tạp và khó lường.
Theo tiến sĩ Thạch, khảo sát ở những gia đình có ca tử vong cho thấy, các bậc cha mẹ chủ quan, không nghĩ bệnh TCM trở nặng gây tử vong. Dù trẻ mắc bệnh, gia đình vẫn đưa đến phòng khám tư nhân. La Gi gặp khó trong việc phòng, chống bệnh TCM. Thứ nhất là bệnh nhân đến bệnh viện muộn, thứ 2 là thiếu thuốc đặc hiệu trong điều trị bệnh này, thứ 3 là ý thức của người dân trong phòng chống bệnh còn chủ quan, trong đó, công tác tuyên truyền vệ sinh môi trường ở trường học, nhóm trẻ chưa sâu.
Cách khắc phục
Trước tình hình số ca TCM tăng cao, Trung tâm Y tế La Gi tham mưu UBND thị xã tăng cường công tác truyền thông đến các xã, phường, từng khu phố bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức người dân; chủ yếu phát hiện ca mắc TCM sớm để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Ngoài công tác tuyên truyền, Trung tâm tư vấn, hướng dẫn các nhóm trẻ có ca mắc bệnh TCM ngưng hoạt động 10 ngày và khử khuẩn. Đồng thời, hướng dẫn các gia đình cách chăm sóc trẻ tránh lây nhiễm qua trẻ khác. Cũng như khuyến cáo các cha mẹ của trẻ phải lưu ý, khi trẻ có triệu chứng khởi phát đầu tiên là sốt cao, khó hạ nên đưa bé đến cơ sở y tế sớm để bác sĩ điều trị, tránh trường hợp chuyển độ nhanh. Chủng vi rút EV71 hiện đang phổ biến ở La Gi.
Theo tiến sĩ Thạch, để giảm thiểu ca mắc bệnh, Trung tâm Y tế La Gi phối hợp địa phương tăng cường tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp về việc phòng, chống bệnh TCM trong cộng đồng. Đồng thời, kiểm tra giám sát nhóm trẻ, trường học bởi bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa và tiếp xúc.