Đang mơ màng ngủ, điện thoại của tôi reo, thấy số lạ tôi không bắt máy, nhưng nghĩ lỡ có việc cần thiết của ai đó liên hệ công việc thì sao? Tôi nói: Xin lỗi ai vậy, ở đâu và gọi cho tôi có việc gì? Khi nghe tiếng tôi, đầu dây bên kia, giọng nam lên tiếng: Dạ, chào anh, em là nhân viên của Công ty tài chính C. Bên em đang có chương trình vay ưu đãi, anh là khách hàng ưu tiên trong đợt này, thủ tục rất nhanh gọn, chỉ cần photo căn cước công dân (CCCD), điền hồ sơ thông tin trên trang web của công ty em, anh vay bao nhiêu cũng được? Trong vòng 20 phút bên em sẽ giải ngân cho anh!? Lục trong ký ức, tôi chưa từng vay tiền của các công ty tài chính nào, sao họ lại có số điện thoại của mình để gọi. Nghĩ về trường hợp của người thân, rồi bạn bè đã từng “dính” đến việc vay tiền qua app của các đối tượng này trên mạng, trả lãi hoài không hết nợ, tôi từ chối thẳng.
Thủ đoạn của các đối tượng là đánh vào tâm lý của những người đang cần tiền kinh doanh, tiêu dùng, muốn được vay số tiền lớn nhưng lại gặp khó do bị “nợ xấu” hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các ngân hàng. Từ đó, các đối tượng mạo danh một số ngân hàng và các công ty tài chính được cấp phép tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.
Các đối tượng này tạo lập hàng nghìn tài khoản trên Facebook, Zalo… với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/ tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp; nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần CCCD và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền... Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, như: họ tên, số điện thoại, ảnh chụp CCCD, ảnh chụp chân dung... phục vụ làm hồ sơ vay. Sau khi dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt các lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay như: khai sai tên người hưởng thụ, đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang in hoa, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên CCCD. Từ đó, đối tượng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.
Với thủ đoạn tinh vi trên, rất nhiều người không những bị mất tiền mà còn bị đối tượng chiếm đoạt thông tin cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác, như: đăng ký mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến. Trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi, với nhiều diễn biến phức tạp trên mạng xã hội, người dân cần: Chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn trên của các đối tượng nhằm chiếm đoạt tài sản. Khi có nhu cầu vay tiền, cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền bằng cách: kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng của các công ty, kiểm tra kỹ các đường link trang web trước khi truy cập. Không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, CCCD, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt... khi chưa xác định tính chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP được gửi vào hòm thư, điện thoại di động cho các đối tượng. Không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ và nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.