Tự hào vùng đất anh hùng

07/04/2023, 05:33

48 năm sau ngày giải phóng, 40 năm kể từ khi được thành lập, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc đang viết tiếp những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng quê hương trở nên giàu đẹp, văn minh.

Truyền thống cách mạng - mạch nguồn nội lực

Trong kháng chiến, huyện Hàm Thuận có vị trí chiến lược rất quan trọng, là bàn đạp, cửa ngõ tấn công vào cơ quan đầu não của địch ở Phan Thiết. Hàm Thuận còn là nơi cung cấp nhân tài, vật lực rất lớn cho tỉnh và Khu 6. Với vị trí ấy, Hàm Thuận trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù. Dù chịu nhiều đau thương mất mát nhưng Nhân dân Hàm Thuận luôn đoàn kết, quật khởi, thủy chung son sắt, một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng, đã chiến đấu trường kỳ gian khổ đến ngày thắng lợi cuối cùng. Những địa danh “Khu lê bất khuất, Tam giác kiên cường, Nam sơn Trung dũng, Đường 8 rực lửa chiến công” đã đi vào lịch sử của vùng đất Hàm Thuận anh hùng. Ngày 8/4/1975, huyện Hàm Thuận được giải phóng, góp phần giải phóng tỉnh Bình Thuận vào ngày 19/4/1975 và cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

z4241311837891_9c3da49a4eac4ab2f213204c37fb34f4.jpg

Với những thành tích đáng tự hào, “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” - là danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho huyện Hàm Thuận vào năm 1978. Đây chính là niềm tự hào, cũng chính là mạch nguồn nội lực để Đảng bộ và Nhân dân huyện Hàm Thuận trước đây, Hàm Thuận Bắc hôm nay vững bước đi lên trong quá trình xây dựng quê hương.

Ngày 30/12/1982, huyện Hàm Thuận được chia tách thành 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Huyện Hàm Thuận Bắc chính thức là đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/6/1983, đến nay có 17 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 15 xã và 2 thị trấn. Minh chứng cho nguồn nội lực ấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn sau những ngày thành lập, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực vươn lên của cán bộ và Nhân dân nên huyện Hàm Thuận Bắc đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, kinh tế của huyện nhà ngày càng phát triển, nhất là từ năm 2006, huyện đã có chủ trương chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long nên diện tích cây thanh long được phát triển mạnh mẽ, trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; ở các xã vùng cao, diện tích cây sầu riêng, cà phê, cao su… ngày càng phát triển. Xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Nhờ kinh tế huyện nhà phát triển, nên công tác thu ngân sách nhà nước hàng năm của huyện luôn đạt và vượt dự toán tỉnh giao, bình quân thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt khoảng 400 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư và nâng cấp, đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền huyện rất quan tâm phát triển thủy lợi và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu giúp huyện phát triển kinh tế. Quan tâm kiến nghị tỉnh đầu tư các công trình thủy lợi lớn như Hồ Sông Quao, Kênh 812- Châu Tá... vừa làm tốt công tác huy động sức dân để tu bổ, nâng cấp các hồ, đập, hệ thống kênh mương... Nhờ đó, đã đưa diện tích gieo trồng được tưới chủ động lên 99%, đưa tổng sản lượng lương thực từ 35.000 tấn (năm 1983) lên 164.000 tấn (năm 2022); tạo nền tảng vững chắc cho huyện nhà phát triển đi lên. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên; từ một huyện nghèo đói, qua 40 năm triển khai tích cực, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đến nay không còn tình trạng hộ dân thiếu ăn trong thời kỳ giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 14,88% năm 2001 đến năm 2022 giảm xuống còn 4,44% và hộ cận nghèo còn 4,74%; thu nhập bình quân đầu người từ 30,2 triệu đồng (năm 2015) nâng lên 48 triệu đồng (năm 2022). Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, sự nghiệp giáo dục được quan tâm đặc biệt và có nhiều tiến bộ. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, ngày càng vững mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, gắn với đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Năm 1983, Đảng bộ huyện có 35 chi, đảng bộ cơ sở với 815 đảng viên thì đến nay có 37 chi, đảng bộ, 249 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 4.442 đảng viên. Trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp trong huyện tiếp tục được nâng lên...

Vững bước đi lên

Trên chặng đường mới, huyện Hàm Thuận Bắc đang có nhiều cơ hội để phát triển. Đó là khi dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn huyện hoàn thành và lợi thế của một huyện ở vị trí giáp ranh với TP. Phan Thiết, để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Từ đó, huyện sẽ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ, nhất là du lịch. Để thực hiện được mục tiêu này, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện cho biết, sẽ tập trung ưu tiên huy động tất cả các nguồn lực có thể cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào làm ăn, sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp du lịch và các loại hình dịch vụ tại Hàm Thuận Bắc. Ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp thực hiện ứng dụng công nghệ cao, các mô hình liên kết chuỗi sản xuất thực sự có hiệu quả, chuyển đổi mạnh mẽ, tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Mặt khác, tăng cường liên kết với các huyện giáp ranh để kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh cho huyện nhà.

Cũng theo ông Thạch, huyện Hàm Thuận Bắc sẽ tận dụng thật tốt các cơ hội hiện có của huyện, nhất là khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, gắn với bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển bền vững. Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. “Phát huy yếu tố con người, khơi dậy tinh thần khát vọng, ý chí vươn lên trong mỗi người dân Hàm Thuận Bắc để tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống và sự kỳ vọng của các thế hệ đi trước và Nhân dân huyện nhà”, ông Thạch nhấn mạnh.

Hàm Thuận Bắc đang ấp ủ những khát vọng mới để vững vàng đi lên cùng sự phát triển của tỉnh, của đất nước. Hòa trong sắc xanh của cây cối, vườn tược, trong đỏ tươi ngói mới, trong sự êm ả của những cánh đồng, sự sôi động của nhiều công trình, dự án… là tình yêu, niềm tin, lòng tự hào bền bỉ của con người trên vùng quê cách mạng. Anh hùng trong kháng chiến, nỗ lực vươn lên trong xây dựng quê hương, những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hàm Thuận Bắc tiếp tục vươn mình.

NGỌC DIỆP

Related articles
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hiệu quả quyết liệt hay không là do người đứng đầu
BTO-Đó là đánh giá được đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban trực tuyến quý I/2023, giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố, được tổ chức sáng 31/3.

(0) Comments
Focus
Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong “thất bại”.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự hào vùng đất anh hùng