Trường học hạnh phúc

01/03/2024, 05:51

“Voucher hạnh phúc”- mới nghe qua, chính tôi và nhiều độc giả cứ ngỡ đó là một “gói” khuyến mãi, nghỉ dưỡng, ưu đãi khách hàng của một nhãn hàng nào đó dành tặng đối tác. Nhưng không phải, đây là một hoạt động nhằm hiện thực hóa chương trình xây dựng trường học hạnh phúc mà các trường học ở TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện. Thông tin ấy khá thú vị, lôi cuốn và rất đáng suy ngẫm nhằm hướng đến xây dựng môi trường học tập thân thiện, lành mạnh trong nhà trường hiện nay…

5e537a07-deae-4cb3-bb3f-9e14ea8b4fae.jpeg

Mô hình ấy được áp dụng tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1). Giáo viên ở đây lý giải: Trong suốt một tháng cố gắng, học sinh nào tích cực tham gia xây dựng bài, có tiến bộ trong học tập, giữ gìn vệ sinh lớp… sẽ được chọn một “Voucher hạnh phúc” - là những món quà các em yêu thích nhất. Nếu muốn được ngồi cạnh bạn thân của mình, các em sẽ chọn voucher vị trí chỗ ngồi; muốn được cô giáo kể cho nghe một câu chuyện vào giờ ngủ trưa thì sẽ chọn voucher kể chuyện em nghe; nếu trong giờ ra chơi hôm đó các em muốn xem một bộ phim hoạt hình thì sẽ chọn voucher điều khiển giờ giải lao.

1f348328-d878-420f-8bb9-d53f4e7766f0.jpeg
Trường tiểu học Xuân An (TP. Phan Thiết) tổ chức các hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh (ảnh minh họa).

Thật bất ngờ bởi từ những voucher tinh thần này, học sinh rất thích thú và nỗ lực phấn đấu để đạt được voucher đó. Ý thức học tập của các em nâng cao hơn. Đầu giờ học, giáo viên không phải nhắc nhở nhiều, chỉ cần mở bảng điểm cộng lên là các em tự giác vào chỗ ngồi, chuẩn bị tiết học. Đặc biệt là học sinh thực sự cảm thấy vui vẻ trong các hoạt động học tập, tự bản thân phát hiện ra kiến thức bài học, giúp nhớ lâu hơn, tích cực tham gia hơn.

Thay đổi cách nhìn, chuyển đổi phương pháp giáo dục, tôn trọng cái riêng, bồi dưỡng cảm xúc… là những điều mà nhiều trường học đã và đang hướng tới để xây dựng. Tại chương trình tọa đàm trường học hạnh phúc được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2023, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Minh Đức cũng đã khẳng định: Từ năm 2018, việc xây dựng trường học hạnh phúc đã được Bộ GD-ĐT khởi động với 3 tiêu chí cốt lõi: Yêu thương, an toàn, tôn trọng. Việc xây dựng trường học hạnh phúc phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường, mỗi cá nhân chứ không trở thành phong trào, thành tiêu chí thi đua và bắt các trường thực hiện.

Chắc hẳn còn nhiều cách làm ở nhiều trường học để thực sự biến khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” mà ngành giáo dục phát động theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhưng dẫn chứng trên là minh họa sinh động để thấy rằng, học sinh hạnh phúc không hẳn là được học thầy cô giỏi mà đôi khi các em kỳ vọng được thầy cô truyền cảm hứng, thầy cô thú vị, gợi mở đường đi, thay vì những áp lực từ bài vở, điểm số. Học sinh hạnh phúc là khi các em có được nguồn năng lượng tích cực và mong muốn đến trường mỗi ngày. Từ niềm vui đến trường sẽ khiến các em có động lực học tốt hơn, phấn đấu hơn trong rèn luyện phẩm chất.

 

THUỲ LINH

Related articles
Xây trường học mới cho xã đồng bào Chăm
Phú Lạc là một xã miền núi trung du thuần đồng bào dân tộc Chăm, toàn xã có 2.234 hộ với 9.298 nhân khẩu được phân bổ đều trên 3 thôn (Phú Điền, Lạc Trị và Vĩnh Hanh).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường học hạnh phúc