Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận: Hiệu quả bước đầu trong chuyển đổi số

16/02/2023, 05:36

Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia hiện nay, Trường Chính trị tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lãnh đạo, quản lý nói chung cũng như công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế nói riêng. Công tác chuyển đổi số được diễn ra liên tục, không bị gián đoạn đã từng bước góp phần hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng do Thường trực Tỉnh ủy giao hàng năm.

Thầy Dụng Văn Duy - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hiện nay Trường Chính trị tỉnh đã triển khai hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến nội dung này. Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng với sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo các phòng, khoa, giảng viên, viên chức nhà trường, nên công tác chuyển đổi số trong việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đạt được những kết quả tích cực, tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến đội ngũ giảng viên, viên chức của trường.

chuyen-doi.jpg
Lễ khai giảng lớp TCLLCT bằng hình thức trực tuyến.

Hiện nay, trường chủ động khai thác, sử dụng các phần mềm điện tử để phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế. Các phần mềm điện tử được khai thác, sử dụng liên tục, đặc biệt không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển chính quyền số, xã hội số. Đáng chú ý, đối với chuyển đổi số trong quản lý học viên, tất cả những quy định, quy chế, chế độ, chính sách… liên quan đến học viên tại các hệ lớp do trường đảm nhận đã được số hóa trên trang Website của trường tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, liên thông. Nhờ đó, giúp học viên và giảng viên tìm kiếm nhanh, hiệu quả để phục vụ cho công tác quản lý lớp học và học tập của học viên.

Đối với chuyển đổi số trong giảng dạy, đây là một quá trình thay đổi phương thức thực hiện giảng dạy truyền thống bằng phương pháp giảng dạy hiện đại, bao gồm cả cơ sở vật chất và các phương thức giảng dạy, học tập, quản lý, tận dụng tối đa công nghệ hướng tới giảng dạy chất lượng cao. Riêng với giảng dạy lý luận chính trị, chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy – học nhằm thích ứng trong tình hình mới. Nổi bật, từ năm 2020 đến 4 tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội. Kéo theo đó, các hoạt động khai giảng, bế giảng, giảng dạy không thể triển khai bằng hình thức trực tiếp, nhà trường đã chuyển sang hình thức khai giảng, bế giảng, giảng dạy trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams áp dụng cho tất cả các hệ lớp. Đặc biệt, năm 2021 trường đã tổ chức “Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường” cho giảng viên và “Hội thi học viên học giỏi Lý luận chính trị” bằng hình thức trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams, đảm bảo tiến độ, chất lượng phù hợp trong điều kiện phải thực hiện giãn cách xã hội.

Đối với hoạt động nghiên cứu thực tế, năm 2021 và 2022 do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trường không thể tổ chức đoàn đi nghiên cứu thực tế xuống địa phương, đơn vị. Trước tình hình đó, trường đã chủ động liên hệ và kết nối với các lãnh đạo địa phương, ban, ngành, đoàn thể các cấp thông qua phần mềm Microsoft Team để tổ chức cho đội ngũ giảng viên, giảng viên tập sự nghiên cứu thực tế bằng hình thức trực tuyến. Qua đó giúp đội ngũ giảng viên, giảng viên tập sự nắm bắt tình hình địa phương, từ đó vận dụng vào công tác giảng dạy lý luận chính trị để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Trong thời gian tới, Trường Chính trị sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả phần mềm quản lý đào tạo để phục vụ cho công tác xây dựng lịch giảng dạy, coi thi, lấy phiếu phản hồi từ người học đối với giảng viên trên hệ thống mạng… Quan tâm đầu tư, mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng đường truyền, internet để đảm bảo sự kết nối thông suốt trong quá trình triển khai công việc từ Ban Giám hiệu đối với các khoa, phòng qua hệ thống các phần mềm từ đó góp phần tham gia vào lộ trình chuyển đổi số của tỉnh nhà.    

LÊ VĂN HUY

Related articles
Nỗ lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số
Thực hiện Nghị quyết số 10 - ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hiện Bình Thuận đã triển khai hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm liên quan vấn đề này.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận: Hiệu quả bước đầu trong chuyển đổi số