Trồng rừng phủ xanh đất bạc màu

16/08/2022, 05:31

“Rừng vàng- biển bạc”- câu nói ấy có từ thời xa xưa, để nhấn mạnh về giá trị của rừng và biển trong đời sống con người. Nhưng theo thời gian, thực tế nhiều diện tích rừng đã bị khai thác trái phép, biển bị đánh bắt cạn kiệt, buộc chúng ta cần có sự thay đổi về nhận thức để bảo vệ những giá trị quý giá ấy.

Khắc phục nguy cơ sa mạc hóa

Đối với mảnh đất nắng gió Bình Thuận, suốt chặng đường dài phát triển, tỉnh luôn ở trong điều kiện khí hậu khô hạn. Kéo theo đó là sự khó khăn vô vàn về nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu. Người dân sinh sống chủ yếu sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẵn có, dẫn đến nguy cơ suy giảm về diện tích rừng tự nhiên.

z3614925342735_260d0c421c4b441af23acbddb0e88301.jpg
Vườn cây lưu niệm "Đời đời nhớ ơn Bác" tại Hàm Thuận Nam

Nhận thức được thực tế ấy, sau thời điểm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992) đến nay, cùng với chủ trương phát triển lâm nghiệp trên cả nước, phong trào trồng rừng, trồng cây nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm phát động và sự tích cực hưởng ứng của người dân. Kết quả có thể thấy rõ, khi ngày nay trải dài ở các địa phương từ bắc đến nam của tỉnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy bên cạnh màu xanh của rừng tự nhiên, còn có bạt ngàn mảng xanh, là rừng trồng được tạo nên bởi con người. Đơn cử như ở Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân… dưới lớp đất bạc màu, khó có thể trồng được loại cây gì khác thì người dân, doanh nghiệp đã đầu tư trồng rừng. Điều này không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với khí hậu, môi trường sống xanh.

anh-luan-z3614925997041_20a3609a289479a0bba15fe829d0f081.jpg
Kiểm tra rừng trồng (ảnh N.Luân)

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay Bình Thuận có tổng diện tích đất có rừng là 336.132 ha, gồm rừng tự nhiên và rừng trồng, cây phân tán, cùng diện tích chưa thành rừng trên 6.400 ha, với tỷ lệ che phủ rừng 43,02%. Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận, tỉnh vẫn còn khoảng 150.000 ha đất cát và núi đá khô cằn. Trong đó có gần 25.800 ha đất bị suy thoái. Hiện tượng sa mạc và suy thoái đất đang từng bước tấn công các vùng phía bắc tỉnh như các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, gây ảnh hưởng đến đời sống, canh tác nông nghiệp của người dân địa phương.

Chính vì vậy, để khắc phục nguy cơ sa mạc hóa và tình hình thiên tai xảy ra thường xuyên, ngày càng phức tạp hiện nay, Bình Thuận xác định việc trồng cây, trồng rừng, trồng cây phủ xanh thảm thực vật là cách bền vững để bảo vệ môi trường. Đây được coi là giải pháp nâng cao khả năng ngấm và trữ nước, giảm thiểu sự bốc thoát hơi nước của đất, chắn gió và giảm quá trình sa mạc hóa, cát bay.

Phát triển lâm nghiệp toàn diện

Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, để đạt kết quả về độ che phủ rừng, Bình Thuận đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần nâng tổng diện tích rừng trồng nằm trong quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 34.682 ha, tăng hơn 24.000 ha so với năm 1992. Đồng thời, tăng độ che phủ rừng từ 38,72% vào năm 2000 lên 43,02% vào năm 2022. Có thể kể đến một số dự án trồng rừng đã thực hiện trên địa bàn tỉnh những năm qua, đó là Dự án trồng rừng trên đất trống đồi núi trọc 327 đã trồng được 9.600 ha rừng tập trung. Hay như Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, kết quả trồng mới và trồng lại 55.300 ha rừng…

Đặc biệt, dấu ấn tại lễ phát động trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh diễn ra vào tháng 6/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đã bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hưởng ứng các nguồn lực tài chính trồng cây xanh trên địa bàn. Cùng với đó, từng bước nâng cao chất lượng và độ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Đây cũng là hoạt động để thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Trong đó, Bình Thuận phấn đấu trồng 10 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đánh giá về kết quả thực hiện các chương trình phát triển lâm nghiệp những năm qua, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, các dự án đã mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế - xã hội và môi trường. Đáng nói, những thành tựu này đã đưa Bình Thuận từ việc chủ yếu sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẵn có chuyển sang phát triển lâm nghiệp toàn diện. Các phong trào trồng rừng, trồng cây nhân dân được đẩy mạnh với nhiều mô hình có hiệu quả.

Vì một Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung được phủ xanh trong tương lai không xa, tỉnh đang không ngừng phát huy hiệu quả các dự án trồng rừng để phủ xanh đất bạc màu. Đây là bước ngoặt lớn để bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu.

KIỀU HẰNG

Related articles
Công trình thanh niên trồng cây đẹp phố
BTO-Sáng 20/3, hơn 40 đoàn viên, thanh niên của phường Phú Thủy, Thanh Hải, Phú Hài và chi đoàn Hải đội 2 bộ đội Biên phòng, chi đoàn phòng PC04 (Công an Tỉnh) đã ra quân trồng 80 cây Phong Linh (Chuông Vàng) trên tuyến đường Lê Đại Hành, thành phố Phan Thiết (đoạn từ cầu Hùng Vương đến giáp đường Tôn Thất Tùng).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trồng rừng phủ xanh đất bạc màu