Cuộc họp do Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chủ trì. Cùng tham gia có các Phó Chủ tịch và thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan (đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố họp trực tuyến tại địa phương)…
Báo cáo kết quả thực hiện công tác này trong năm vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến mốc thời gian 31/1/2024 toàn tỉnh giải ngân được 4.079.234/4.868.977 triệu đồng, đạt 84,29% so với kế hoạch vốn (bình quân chung cả nước đạt 82,47%). Ngoài ra cũng ghi nhận tại địa bàn Bình Thuận có 10 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao, trong đó có 5 chủ đầu tư thuộc khối huyện.
Dù vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn thừa nhận công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa đạt tỷ lệ 95% so kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ giao. Tiến độ thi công một số công trình còn chậm, nhiều dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ hay như các chủ đầu tư chậm hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ, trình phê duyệt dự án đầu tư…
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ giao (tại Quyết định số 1603, ngày 11/12/2023) là 5.084.104 triệu đồng. Theo đó toàn tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện và phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao, sớm đưa các công trình vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.
Trong phần thảo luận do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng điều hành, lãnh đạo một số địa phương và sở, ngành, đơn vị liên quan cũng đã báo cáo tình tình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua. Qua đó, các thành viên dự họp cùng tham gia trao đổi, góp ý kiến và đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hướng đến triển khai thực hiện đem lại hiệu quả hơn trong năm 2024…
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng ghi nhận và biểu dương các chủ đầu tư thực hiện đạt tỷ lệ giải ngân cao trong năm qua, nhưng cho rằng kết quả chung của toàn tỉnh là chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ rõ nguyên nhân chủ quan cần phải khắc phục, đồng thời nêu ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh…
Triển khai kế hoạch năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp ngành, địa phương phải xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng và cần đưa nội dung này vào giao ban định kỳ để theo dõi, thúc đẩy tiến độ thực hiện. Đối với các chủ đầu tư đạt kết quả giải ngân thấp trong năm qua thì nghiêm túc xem xét kiểm điểm, rút kinh nghiệm cũng như kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế.
Bên cạnh đó cũng yêu cầu các cơ quan thẩm định chuyên ngành (Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh) tăng cường công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, phòng cháy chữa cháy, thẩm tra, cấp giấy phép… Thông qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư sớm thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư, hoàn tất hồ sơ để trình duyệt dự án đầu tư, làm cơ sở phân khai hết kế hoạch vốn năm 2024.
Ngoài ra các sở, ngành, địa phương liên quan và chủ đầu tư cũng cần tích cực phối hợp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án cụ thể, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để thúc đẩy khối lượng thi công cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt yêu cầu đề ra...