Cụ thể, trước mùa mưa lũ tại những vùng có nguy cơ ngập lụt, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị người dân không làm chuồng trại chăn nuôi gần sông, bờ suối để tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Cần chủ động nâng cao nền chuồng để tránh lũ, che chắn tránh mưa tạt, gió lùa. Đối với những vùng bị ngập lụt, cần chuẩn bị phương án di dời đàn vật nuôi đến những nơi an toàn. Thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y tại địa phương.
Trong và sau mưa bão, lũ lụt, cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi thời tiết, kiểm tra chuồng trại, điều kiện chăn nuôi và sức khỏe đàn vật nuôi để có phương án chăm sóc, hỗ trợ và di dời nếu cần thiết. Không tập trung vật nuôi lên đường giao thông gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường.
Về công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, lũ lụt sẽ phát tán mầm bệnh đi khắp nơi. Lũ lụt càng lớn, quy mô càng rộng thì sự lan truyền mầm bệnh càng tăng, mức độ nguy cơ càng cao. Các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại không được thực hiện tốt sẽ làm suy giảm đáng kể sức chống chịu bệnh tật ở vật nuôi. Vì vậy, cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, môi trường xung quanh...
Sở Nông nghiệp và PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả việc đảm bảo an toàn vật nuôi trong mùa mưa bão. Đồng thời thường xuyên hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống, chăm sóc, bảo vệ vật nuôi trong mùa mưa lũ tại các địa phương trong tỉnh.
Trước đó, theo dự báo của Cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2022 tuy bão và áp thấp nhiệt đới ít hơn trung bình nhiều năm nhưng nguy cơ xảy ra các hiện tượng thiên tai cực đoan, bất thường, trái quy luật sẽ diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, mùa mưa năm nay bắt đầu sớm. Lượng mưa cao hơn mức trung bình dự kiến sẽ gây ngập lụt.