Trẻ tiếp xúc sớm với internet: Bảo vệ như thế nào?

14/07/2023, 06:06

Ở thời đại công nghệ số bùng nổ, rất nhiều trẻ em có điều kiện tiếp xúc sớm với internet và mạng xã hội để học tập và giải trí. Tuy nhiên, cũng chính từ môi trường này đã và đang tiềm ẩn những rủi ro, tiêu cực, ảnh hưởng đến trẻ. Vai trò của các bậc phụ huynh trong việc quan tâm, định hướng cho trẻ là điều vô cùng cần thiết.

Được và mất…

Đang là học sinh lớp 9, Khả Như (phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) đã biết tận dụng những cơ hội tìm kiếm thông tin, kiến thức ở mọi chủ đề, mọi băn khoăn, thắc mắc ngay trên internet. Khả Như cho biết, internet và mạng xã hội là nguồn kiến thức vô tận, có rất nhiều điều bổ ích từ đó nâng cao được tư duy và học hỏi được nhiều điều hay. “Nhờ mạng internet mà em nói tiếng Anh trôi chảy hơn rất nhiều. Ngoài ra, nhiều kiến thức về lĩnh vực khoa học cũng được em quan tâm”, Như chia sẻ.

tiem-a.jpg
Trẻ em đang đối mặt với những nguy cơ bị những tác động xấu, bị bắt nạt, bị xâm hại trên môi trường mạng.

Cũng đang học tại một trường THPT, Trần Thanh Tùng (phường Thanh Hải, TP. Phan Thiết) đã có cho mình chiếc điện thoại thông minh. Tùng cho biết, lúc rảnh rỗi, em thường sử dụng điện thoại để kết nối với thầy cô, bạn bè, tham gia mạng xã hội như Facebook, Tik Tok… để giải trí. “Nhiều khi áp lực trong học tập, em đã dành chút thời gian lên mạng để giải trí bằng những trò chơi trí tuệ, hoặc nhắn tin, trao đổi chia sẻ với bạn bè. Nhiều chương trình giải trí hay đều được cập nhật trên mạng xã hội, chỉ cần lướt điện thoại là có thể nắm bắt được. Em thấy rất nhiều tiện ích khi sử dụng internet”, Tùng nói.

Theo nhiều bậc phụ huynh, không thể phủ nhận những giá trị tích cực từ internet mang lại cho trẻ trong học tập và giải trí để từ đó trẻ ngày càng hoàn thiện và phát triển bản thân. Tuy nhiên, internet, mạng xã hội cũng tìm ẩn nhiều tác hại đối với trẻ. Thời gian nghỉ hè vừa qua, do sử dụng mạng xã hội quá nhiều trên thiết bị điện thoại nên bé Lê Hoàng Bảo Ngân, 8 tuổi (xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) gặp vấn đề về mắt. Mẹ của bé là chị Thanh Thủy chia sẻ: Thời gian đầu bé mới nghỉ hè, gia đình chỉ cho sử dụng điện thoại từ 2 – 3 tiếng/ngày. Tuy nhiên, sau đó tần suất sử dụng nhiều hơn, khiến cho mắt của bé bị khô và mỏi. Sau đó mắt dần bị mờ và không thể nhìn xa được như trước. “Tôi phải đưa con đi khám bác sĩ và được kết luận là thị lực mắt bị giảm sút. Giờ con phải đeo kính để cải thiện thị lực, tôi vô cùng lo lắng”, chị Thuỷ nói.

Không gì chị Thủy mà nhiều phụ huynh khác cũng tỏ ra lo lắng, khi con trẻ dành nhiều thời gian trên không gian mạng dẫn đến việc tư duy thiếu thực tế, lệch lạc, tiêu cực, thậm chí kỹ năng giao tiếp bị hạn chế. Anh Nguyễn Đức P. (phường Phú Tài, TP. Phan Thiết) chia sẻ: “Tôi có hai con trai 10 tuổi và 7 tuổi. Thời gian gần đây, cháu lớn có những hành động, lời nói không phù hợp độ tuổi của mình, thậm chí có xu hướng hay gây gổ, bạo lực hơn trước. Tìm hiểu, vợ chồng tôi mới biết các cháu thường xuyên xem những clip trên kênh Youtube có nhiều hình ảnh chửi bới, bạo lực và bị ảnh hưởng từ đó”.

Định hướng cho trẻ

Theo báo cáo của tổ chức UNICEF, 83% trẻ em từ 12 – 13 tuổi sử dụng internet. Con số này tăng lên 93% ở độ tuổi 14-15 tuổi. Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 – 7 giờ/ngày; chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 -17 được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng.

Lợi và hại trong việc sử dụng internet của trẻ khiến cho việc nuôi dạy con trẻ trong thời đại công nghệ số đã đặt ra nhiều suy nghĩ và cách tiếp cận sao cho đúng đắn và mang lại hiệu quả tích cực nhất cũng làm nhiều phụ huynh phải đau đầu.

Chị Trần Thị Ngọc Anh, thạc sĩ tâm lý học (Tp. Phan Thiết) cho biết, bởi nhiều tiện ích từ internet và mạng xã hội nên không thể chặn và ngăn cấm trẻ sử dụng. “Theo tôi, điều quan trọng nhất, vẫn là mỗi phụ huynh cần chỉ dạy cho con em mình những kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Mà để làm được điều này, thì mỗi bậc cha mẹ cũng cần phải có kiến thức sử dụng internet”, chị Anh nói.

Cũng theo chị Anh, ở từng giai đoạn, độ tuổi khác nhau của trẻ mà phụ huynh phải có cách đồng hành cùng với con em mình trong việc sử dụng mạng, internet. “Các bậc phụ huynh cần đồng hành cùng con với tinh thần cởi mở và hiểu biết, thay vì cấm đoán. Cha mẹ nên trò chuyện có trách nhiệm với con về những lợi ích và rủi ro khi tham gia không gian mạng để con tự do thử nghiệm trong phạm vi cho phép và rút ra bài học cho riêng mình”, chị Anh cho biết thêm.

Nhiều phụ huynh cũng cho rằng, vẫn cho trẻ sử dụng và có giám sát theo cách hợp lý. Chẳng hạn như xem cùng con, cài một số trang được dùng trong máy...; đồng thời, có quy định và hình thức thưởng phạt rõ ràng, áp dụng khi con dùng internet.

Tóm lại, để bảo vệ con em mình, mỗi bậc cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, chia sẻ và trao đổi với con tất cả những điều xảy ra trong ngày. Cần tạo ra những không gian vui, những trò chơi thể thao để khuyến khích, thu hút con cùng tham gia. Cách làm trên không chỉ gắn kết tình cảm gia đình mà còn giảm thời gian sử dụng internet quá nhiều, nhất là sớm phát hiện các bất thường của trẻ khi sử dụng mạng xã hội để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

BẢO NGỌC

Related articles
Tiếp nhận chiến sĩ Mùa hè xanh Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hoạt động tại Bình Thuận
BTO- Sáng ngày 10/7, Lễ tiếp nhận chiến sĩ Mùa hè xanh Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được tổ chức tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trẻ tiếp xúc sớm với internet: Bảo vệ như thế nào?