Không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà Bình Thuận còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc gắn với nền văn hóa lâu đời của đất và người Bình Thuận.
Một điểm đến mà hiện nay rất được du khách yêu thích lựa chọn để nghiên cứu, trải nghiệm, mua quà lưu niệm mỗi khi đến huyện Bắc Bình đó là làng nghề làm gốm của người Chăm Bình Đức. Nơi đây lưu giữ một kỹ thuật làm gốm truyền thống của dân tộc Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Làng gốm Chăm Bình Đức thuộc địa bàn xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình; vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có của một nghề làm đẹp từ đất. Ngay cả các nghệ nhân làm gốm cao tuổi, chức sắc người Chăm cũng không ai biết làng gốm này bắt đầu từ khi nào mà chỉ biết rằng nó đã tồn tại hàng trăm năm theo cách lưu truyền từ mẹ sang con và mãi cho đến bây giờ. Làng gốm Bình Đức hiện có hơn 40 hộ với 46 người còn làm duy trì nghề làm gốm Chăm thường xuyên. Ngoài ra có khoảng 60 hộ làm theo thời vụ, những lúc cao điểm lễ hội, Tết Nguyên đán.
Là nghề thủ công truyền thống, nghề làm gốm của người Chăm ở Bình Thuận độc đáo ngay từ cách chọn, xử lý nguyên liệu cho đến cách thức tạo hình khối, hoa văn, phơi và nung sản phẩm. Tất cả đều thể hiện tính sáng tạo và sự tỉ mỉ, công phu của người thợ làng nghề. Người thợ gốm Chăm ở làng Bình Đức không dùng bàn xoay khi tạo hình khối cho sản phẩm mà vừa đi giật lùi vòng quanh chiếc trục đặt khối đất sét, vừa đều tay xoa, vuốt để tạo hình sản phẩm. Cách nhào nặn gốm trên bàn kê cố định mà không dùng bàn xoay là một kỹ thuật đặc biệt của người thợ gốm Chăm. Mỗi người thợ gốm dường như là người “thổi hồn” vào đất, gửi gắm những thông điệp về văn hóa, phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của cộng đồng người Chăm qua từng sản phẩm như: nồi đất, lò, lò bánh, đò gốm mỹ nghệ…
Gắn bó với nghề làm gốm gần 40 năm, ông Lâm Hùng Sổi cho biết: nghề gốm đã giúp nuôi sống bản thân và gia đình từ nhiều năm qua. Hơn hết, kể từ khi được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, nghề làm gốm được biết đến nhiều hơn; nhiều đoàn học sinh, sinh viên, khách du lịch tìm đến nghiên cứu, tham quan hơn; các hoạt động về truyền dạy nghề cho giới trẻ cũng được tổ chức thường xuyên, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghề làm gốm của người Chăm.
Bình Thuận hiện có hơn 10.000 cơ sở ngành nghề nông thôn đang hoạt động với hơn 50.300 lao động. Tính đến nay, Bình Thuận có 3 làng nghề đang hoạt động được UBND tỉnh công nhận, gồm Làng nghề bánh tráng Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc), làng nghề bánh tráng Chợ Lầu (huyện Bắc Bình) và làng nghề gốm gọ Bình Đức (huyện Bắc Bình).
Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Mới đây, ngành du lịch đã tổ chức chương trình khảo sát, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch làng nghề và ẩm thực Bình Thuận với mục tiêu đánh giá lại thực trạng, tiềm năng của các làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực địa phương.
Từ đó, ngành du lịch sẽ xây dựng được một sản phẩm du lịch mới ấn tượng và chất lượng để giới thiệu với du khách. Sản phẩm du lịch này không chỉ làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch nhằm tăng tính trải nghiệm, thu hút du khách đến với Bình Thuận mà còn góp phần làm khơi thông, phát huy những giá trị truyền thống, bản sắc vốn có của vùng đất Bình Thuận.