Tổng thống Indonesia: G20 không được để thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác

15/11/2022, 14:31

Ngày 15/11, phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali (Indonesia), Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo đã kêu gọi tinh thần đoàn kết, thống nhất và hội nghị đạt được kết quả cụ thể giúp phục hồi kinh tế toàn cầu.

Với nhiều hoạt động khác nhau trong năm, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 nói chung và Hội nghị thượng đỉnh G20 nói riêng mang lại nhiều lợi ích chiến lược đối với nền kinh tế và phát triển xã hội của Indonesia.

tong-thong-indonesia-widodo-reu.jpg

Tổng thống Widodo (giữa). Ảnh: Reuters.

Thứ nhất, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 có tác động trực tiếp đến nền kinh tế Indonesia bằng cách tăng thu nhập ngoại hối của đất nước. Kinh nghiệm trước đây trong các nhiệm kỳ chủ tịch G20 cho thấy những tác động tích cực đến thị trường trong nước. Các đại biểu quốc tế lên tới hơn 13.000 người và mỗi Hội nghị thượng đỉnh G20 tạo ra hơn 100 triệu USD doanh thu cho nước chủ nhà.

Thứ 2, trong phát triển kinh tế và xã hội, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 đóng vai trò là động lực cho sự phát triển, mở cửa của nền kinh tế Indonesia, với các sự kiện giới thiệu tiềm năng phát triển và đầu tư của Indonesia, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải và kinh tế sáng tạo…

Thứ ba, trong lĩnh vực chính trị, với tư cách là Chủ tịch G20, Indonesia thúc đẩy ba lĩnh vực ưu tiên bao gồm y tế, chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Một hội nghị thượng đỉnh thành công với những giải pháp thiết thực giúp thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ giúp đảm bảo uy tín và nâng cao vai trò của nước chủ tịch Indonesia trong các chương trình nghị sự toàn cầu.

Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia cũng khởi đầu cho một loạt nhiệm kỳ chủ tịch của các quốc gia đang phát triển. Năm 2023, G20 sẽ do Ấn Độ chủ tịch, tiếp sau là Brazil và sau đó nữa là Nam Phi. Vì vậy, năm 2022 là thời điểm khởi đầu mang tính thời đại của các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả các quốc gia ngoài G20, đóng góp tiếng nói quan trọng cho các vấn đề toàn cầu.

Thách thức đối với nước chủ nhà

Giới phân tích nhận định Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này có tính chất căng thẳng nhất về ngoại giao từ trước tới nay.

G20 - diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới được kỳ vọng tìm ra các giải pháp cho một số vấn đề mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt bao gồm lạm phát ở nhiều quốc gia và các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát giá cả, có thể tạo ra nguy cơ suy thoái toàn cầu. Ngoài ra các vấn đề khó khăn khác bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh và xung đột giữa Nga và Ukraine.

Bất chấp khẩu hiệu lạc quan của Hội nghị thượng đỉnh “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, khả năng đạt được đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh rất mong manh trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và cạnh tranh địa chính trị gia tăng, chia rẽ giữa các quốc gia thành viên G20 do xung đột Nga-Ukraine. Vì vậy, thách thức đối với Hội nghị thượng đỉnh G20 là tập hợp các nhà lãnh đạo, những người có quan điểm khác biệt về địa chính trị, cùng nhau tìm ra điểm chung và giải pháp cho cuộc khủng hoảng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Đề cập Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, truyền thông khu vực lo ngại lặp lại kịch bản Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 vào tháng 7 vừa qua với bất đồng không ra được Tuyên bố chung. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 sau đó cũng phủ bóng bởi chia rẽ trong cuộc xung đột Ukraine, khiến Indonesia phải ra Tuyên bố chủ tịch.

Nhiều quan chức Indonesia thừa nhận, Chủ tịch G20 năm nay là thách thức nhất từ trước đến nay do những vấn đề địa chính trị, kinh tế và các vấn đề khác. Một số nước có quan điểm cứng rắn và trong một số trường hợp, các nhóm làm việc phải mất nhiều ngày chỉ để nhất trí việc sử dụng một từ duy nhất trong văn bản. Đã có nhiều tiếng nói cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ khó đạt được thỏa thuận một thông cáo chung tại hội nghị thượng đỉnh vì các nước vẫn đang tranh cãi về nhiều điểm.

Nước chủ tịch Indonesia vẫn đang kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 - những quốc gia chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, 75% thương mại quốc tế và 60% dân số thế giới thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu mà thế giới cần vào thời điểm quan trọng này.

Cách tiếp cận của Indonesia đối với vấn đề Ukraine

Indonesia từng thừa nhận khó có thể tránh khỏi vấn đề xung đột Nga – Ukraine được đề cập tại Hội nghị, đồng thời Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi các lãnh đạo phương Tây hạ thấp chỉ trích nhằm vào Nga để có thể thông qua nghị quyết cuối cùng của Hội nghị.

Không có cơ hội nào để tránh thảo luận về vấn đề gây chia rẽ là xung đột Nga-Ukraine, nhưng leo thang căng thẳng tại hội nghị là điều có thể tránh được. Để đảm bảo cho các chương trình không bị đi chệch hướng, Indonesia với tư cách là Chủ tịch G20 tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên tập trung vào nghị trình toàn cầu của mình, bao gồm lĩnh vực y tế, chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng.

Không thiếu các cam kết về duy trì hợp tác đã được tái khẳng định trong các mục tiêu ưu tiên tại các cuộc họp của G20 trong suốt cả năm và sẽ được cụ thể hóa tại hội nghị lần này, bao gồm đề xuất của Nhật Bản giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu lương thực và năng lượng, kế hoạch của Mỹ nhằm huy động 600 tỷ USD tài trợ các nước có thu nhập thấp và trung bình hay lễ ra mắt một Quỹ đối phó với các đại dịch tương lai, hiện đã nhận được đóng góp 1,4 tỷ USD từ các nước được đánh giá là một trong những thành công của G20 năm nay.

Tuy nhiên rõ ràng dư luận quốc tế đang chờ đợi một kết quả thực sự, dưới hình thức các văn kiện cụ thể tại hội nghị thượng đỉnh để giải quyết các thách thức chung toàn cầu hiện nay. Khái niệm về Hội nghị thành công hay không thành công sẽ phụ thuộc vào đánh giá khác nhau của mỗi quốc gia. Thực tế các hội nghị thượng đỉnh G20 trước đây cũng cho thấy việc đàm phán để xây dựng các văn kiện vào cuối hội nghị là rất khó khăn, ngay cả trong các điều kiện bình thường.

Đề cập việc liệu Hội nghị thượng đỉnh có ra được Thông cáo chung hay không, Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi cho rằng điều quan tâm hơn cả là nội dung trong văn kiện cuối cùng. Dù văn kiện đó là gì cũng sẽ chứa đựng các cam kết chính trị của các nhà lãnh đạo G20, với những giải pháp cho các thách thức toàn cầu.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Mỹ tái khẳng định cam kết với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/11 đã tham dự Cấp cao Đông Á ở Campuchia qua đó khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong đó ASEAN là trung tâm.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Indonesia: G20 không được để thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác