Là một trong những hộ khó khăn của địa phương, chồng làm nghề phụ ghe, thu nhập của gia đình chị Tôn Nữ Thuận Ninh (khu phố 4, phường Phước Lộc) chủ yếu từ số tiền ít ỏi qua việc buôn bán nhỏ tại nhà. Việc trang trải chi phí cho các con ăn học trở thành nỗi lo toan trăn trở của chị, khi không biết làm sao để các con mình không phải bỏ học giữa chừng. Tháng 10/2022, chị Ninh được vay vốn từ chương trình tín dụng dành cho HSSV. Nhờ nguồn vốn này, chị đã có thể cho con mình tiếp tục theo học năm thứ 3 tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. HCM).
Chị Ninh cho biết: Cách đây 3 năm, cũng nhờ chương trình cho vay tín dụng ưu đãi của HSSV, mà người con lớn của tôi theo học Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại cũng vừa tốt nghiệp, có việc làm ổn định, đã có thể tự lo cho bản thân và phụ giúp gia đình trả lãi và hoàn vốn đúng hạn. Có thể nói, nguồn vốn này chính là “chỗ dựa” tin cậy và “tiếp sức” cho gia đình chị Ninh, cũng như rất nhiều những gia đình khó khăn khác mạnh dạn cho con em mình vững tin theo đuổi ước mơ học tập, tạo dựng tương lai.
Và càng vui mừng hơn nữa, khi từ tháng 5/2022, mức cho vay tối đa cho HSSV tăng từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng (tăng 1,5 triệu đồng so với mức cũ). Khi thời giá liên tục tăng cao thì việc kịp thời điều chỉnh mức cho vay vốn HSSV đã đáp ứng nhu cầu chi phí cơ bản sinh hoạt, học tập của các em. Bên cạnh các trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, chính sách cũng mở rộng đối tượng được vay vốn là HSSV trong gia đình có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Công Liêm – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã La Gi cho biết: Để hỗ trợ kịp thời HSSV, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn chủ động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chương trình cho vay HSSV hoàn cảnh khó khăn đến người dân trên địa bàn. Từ nguồn vốn này, đã có 344 HSSV trang trải một phần chi phí trong quá trình học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và học nghề, không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Nguồn vốn tuy nhỏ nhưng ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội mang lại là rất lớn. Chương trình đã góp phần quan trọng trong chính sách phát triển, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.