Tiếp tục vượt qua thách thức để phát triển

27/03/2023, 05:06

Kết thúc quý I/2023, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh có những tín hiệu lạc quan cho thấy sự phục hồi, khởi sắc. Bên cạnh đó cũng đan xen khó khăn, thách thức phải nỗ lực để tạo sự chuyển biến rõ nét trong quý II và cả năm 2023.

Những điểm sáng

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ra quân sản xuất đầu năm mới và nhanh chóng đi vào ổn định. Điều này thể hiện ở giá trị sản xuất công nghiệp quý I ước đạt 10.410 tỷ đồng, đạt 25,16% kế hoạch (KH), tăng 7,02% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý ngành sản xuất và phân phối điện tăng trở lại đạt 5.238 tỷ đồng (tăng 10,9%) đóng góp đáng kể vào chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP), tiếp đến là công nghiệp chế biến chế tạo đạt 4.618 tỷ đồng (tăng 2,69%). Có 8/16 sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước…

Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng. Ảnh N.Lân

Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, đặc biệt là ngành chăn nuôi đàn heo và đàn gia cầm chuyển dịch theo hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Tín hiệu đáng mừng ngư dân đã giảm bớt những khó khăn nhờ vào giá xăng dầu ổn định, so với cùng kỳ năm ngoái sản lượng hải sản khai thác ước đạt 48.649 tấn, đạt 23,17% KH (tăng 2,85%)...

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 8.288 tỷ đồng (tăng 10,41%). Tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, có thêm 7 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất 64,31 ha, tổng vốn đăng ký 285,89 tỷ đồng. Tính chung đến nay toàn tỉnh có 1.612 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng diện tích đất 50.157 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 380.294,8 tỷ đồng. Theo phân tích của ông Phạm Quốc Hùng - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho rằng: Mặc dù số dự án đăng ký đầu tư trong quý không nhiều, nhưng bình quân vốn mỗi dự án (40,84 tỷ đồng/dự án) là khá cao. Điều này cho thấy quy mô các dự án đầu tư vào tỉnh cao hơn so với những năm trước và là tín hiệu tích cực trong việc huy động sử dụng vốn đầu tư; động lực, tiền đề cho phát triển công nghiệp tỉnh thời gian tới.

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng rất mạnh và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, dịch vụ lưu trú ăn uống, vui chơi giải trí và bán lẻ hàng hóa đóng góp nhiều vào tăng trưởng 3 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, trong năm nay, việc Bình Thuận tổ chức Năm Du lịch quốc gia với các chuỗi sự kiện diễn ra thu hút lượng khách trong nước và quốc tế tăng cao. Toàn tỉnh đón 2 triệu lượt khách, đạt 31% KH, (tăng 115,36%); số ngày khách lưu trú 3.886,3 ngàn ngày khách (tăng 140,5%) và doanh thu từ hoạt động du lịch 5.367 tỷ đồng, đạt 32,52% KH (tăng 178,1%)…

Vẫn còn thách thức và quyết tâm

Trong bức tranh có nhiều điểm lạc quan, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là phân bón, xăng, dầu còn cao. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2022. Thu ngân sách khó khăn giảm sâu so với cùng kỳ, tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh quý I/2023 ước thực hiện 2.353,3 tỷ đồng (giảm 23,1%); trong đó, thu nội địa đạt 2.177,2 tỷ đồng (giảm 24,7%), thu thuế xuất nhập khẩu 176,1 tỷ đồng (tăng 7,3%)…

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra, nhất là một số công trình giao thông, khu công nghiệp; đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp đạt thấp. Việc xác định giá đất cụ thể để thực hiện nghĩa vụ tài chính còn chậm do các khó khăn, vướng mắc trong việc làm giá chậm tháo gỡ; chưa thực hiện được việc đấu giá quyền sử dụng đất… Chủ trì tại cuộc họp mới đây nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2023, đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Thời gian tới các sở, ban, ngành cần tăng cường phối hợp, khẩn trương triển khai các dự án đã có chủ trương đầu tư, để thúc đẩy các dự án này triển khai nhanh nhất, hoàn thành với chất lượng tốt nhất, đảm bảo thời gian quy định, tạo lòng tin trong nhân dân. Căn cứ nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quý II và năm 2023 theo kế hoạch đã đề ra.

C.TƯỜNG

Related articles
Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận năm 2023
BTO- Sáng 12/1, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp tục vượt qua thách thức để phát triển