Trung tâm trưng bày Văn hoá Chăm từ khi mới thành lập, đa phần các hiện vật trưng bày đều là hiện vật phục chế lại. Với quyết tâm sưu tầm, trao đổi và vận động nhân dân hiến tặng các hiện vật gốc nhằm thay thế các hiện vật phục chế, năm 2022, Trung tâm đã vận động hiến tặng được 25 hiện vật, cổ vật liên quan đến văn hóa Chăm, từ các nhà sưu tầm như ông Nguyễn Ngọc Ẩn (Tp. Phan Thiết), ông Thái Hùng Lâm (Đà Lạt), Trần Văn Trung (Hải Ninh, Bắc Bình), nâng tổng số hiện vật gốc của trung tâm lên được hơn 1.500 hiện vật.
Tại buổi lễ khai mạc, ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhấn mạnh: "Văn hóa của dân tộc Chăm là một bộ phận không thể tách rời của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, tạo nên sắc thái văn hóa đa dân tộc. Chính vì vậy, hoạt động tại Trung tâm TBVH Chăm luôn hướng đến mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm nhằm góp phần xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tác động tích cực đối với cộng đồng người Chăm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc mình".
Dịp này đã diễn ra nhiều hoạt động khác như: Trưng bày bộ ảnh đạt giải trong cuộc thi sáng tác ảnh về vẻ đẹp khu du lịch Bàu trắng huyện Bắc Bình, với chủ đề: Điểm đến “Bàu trắng - đồi Trinh nữ”, biểu diễn nghề làm gốm, dệt thổ cẩm, thi viết chữ Chăm dành cho các em học sinh, tham quan Nhà trưng bày, kết nối tour tham quan kho mở Hoàng tộc Chăm, đền thờ Po Klaong Mâhnai, đền thờ Po Anit, trình diễn làm bánh Gừng truyền thống của người Chăm. Chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian Chăm với chủ đề “Mừng hội Katê năm 2022” phục vụ nhân dân địa phương và khách tham quan.