Tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá chậm, do đâu?

27/12/2019, 10:18

 BT- Theo kế hoạch, đến 1/4/2020, 1.834 tàu cá thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình của Bình Thuận phải hoàn thành việc lắp đặt. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có vài trăm chiếc thực hiện công tác này, nguyên nhân do đâu?

                
Tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên buộc    phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

 Chi phí lắp đặt cao

Theo quy định tại Nghị định 26 của Chính phủ, tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình và mở máy 24/24 trong quá trình vươn khơi đánh bắt. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để tăng cường quản lý các tàu đánh bắt xa bờ, hạn chế tình trạng xâm phạm lãnh hải nước ngoài đánh bắt trái phép. Tuy nhiên, việc gắn thiết bị này khiến ngư dân phát sinh nhiều chi phí, do đó nhiều người chưa mặn mà và tìm cách trì hoãn việc lắp đặt. Trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri gần đây, nhiều ngư dân ở thị xã La Gi cũng có ý kiến về vấn đề này. Ngư dân cho rằng, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khiến họ tốn thêm một khoản chi phí không nhỏ từ 30 – 50 triệu đồng/tàu cá, chưa kể phí phải duy trì hoạt động hàng tháng của thiết bị. Nếu ngư dân nào có 2 chiếc có chiều dài 15m trở lên, họ phải tốn gần cả 100 triệu đồng cho công tác này. Trong khi đó, tình hình đánh bắt hải sản thời gian gần đây liên tục thua lỗ. Vì vậy, ngư dân mong rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để san sẻ với ngư dân trong giai đoạn khó khăn này.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 11/2019, ngoài 33 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên đã hoàn thành việc lắp đặt theo lộ trình; chỉ có 293 chiếc/1.834 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (đạt 16%). Không chỉ vậy, trước 31/10/2019, 463 tàu hành nghề câu khơi, lặn hoạt động vùng biển xa và nghề giã cào bay buộc phải hoàn thành việc lắp đặt, nhưng đến nay chỉ có 260 chiếc thực hiện (đạt 56%). Bên cạnh đó, còn trên 650 tàu cá đăng ký hoạt động vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg cũng phải gấp rút thực hiện việc lắp đặt. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhìn nhận tiến độ thực hiện công tác này chưa đạt yêu cầu, nhiều khả năng không đảm bảo lộ trình theo quy định của Chính phủ nếu không có các biện pháp quyết liệt hơn.

 Không cho xuất bến nếu chưa lắp đặt

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổ Công tác của sở, Chi cục Thủy sản và các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc rà soát toàn bộ danh sách tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Thông báo đến từng chủ tàu về thời hạn phải hoàn thành việc lắp đặt, đồng thời gởi thông tin tàu cá (tên chủ tàu, địa chỉ thường trú, số đăng ký, ngành nghề hoạt động) đến chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã), các đồn, trạm kiểm soát biên phòng cửa biển để phối hợp kiểm tra, giám sát, yêu cầu chủ tàu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Khẩn trương thiết lập hệ thống trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh, các trạm dữ liệu giám sát tàu cá đảm bảo kết nối đồng bộ với Trung tâm dữ liệu Trung ương để theo dõi, giám sát, kịp thời cảnh báo tàu cá ra ngoài vùng biển Việt Nam.

    
      Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện Tuy Phong, Phú Quý, thị xã La   Gi, TP. Phan Thiết, nhất là địa phương có nguy cơ cao về tàu cá, ngư dân   khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, hoặc hoạt động nghề giã cào   bay trái phép phức tạp phải tăng cường theo dõi, chỉ đạo sát sao, tổ   chức tuyên truyền trực tiếp đến từng chủ tàu cá. Phối hợp chặt chẽ với   Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng   tỉnh triển khai quyết liệt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình   trên tàu cá tại địa phương theo đúng lộ trình quy định. Kiên quyết không   cho xuất bến hoạt động sản xuất nếu chưa lắp thiết bị giám sát hành   trình.

M.Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá chậm, do đâu?