Tiêm vắc xin Covid-19 mũi nhắc lại là hết sức cần thiết

04/07/2022, 14:49

BTO-Sau hơn 2 năm phòng, chống đại dịch Covid-19, với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của ngành Y tế và các bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt với chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển trong 6 tháng đầu năm 2022.

tiem-vx-covid.jpg
Tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Thời gian qua, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 hằng ngày đã giảm rất nhiều, kể cả số ca bệnh có xu hướng chuyển nặng và tử vong. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia y tế khuyến cáo vi rút Covid-19 vẫn còn biến đổi hết sức khó lường, vẫn xuất hiện nhiều biến chủng mới, có khả năng lây nhiễm cao, nhất là biến chủng mới BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam có khả năng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại. Còn Tổ chức Y tế thế giới nhận định: Thế giới giới vẫn đang trong đại dịch, Omicron hiện là biến thể phổ biến, nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng. Vì vậy, các nước cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin, giám sát trọng điểm.

Ngày 2/7/2022, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 4114/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương, quyết liệt hơn nữa việc đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 có lẽ không cần phải nhắc lại, bởi cuộc sống hiện tại của chúng ta đã khẳng định điều đó. Đến nay, việc tiêm chủng mũi 1 và 2 cho người lớn và trẻ em 12-17 tuổi ở  Việt Nam cơ bản hoàn thành. Mặc dù vậy, theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian gần đây việc tiêm vắc xin có xu hướng chậm lại, nhất là số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi vắc xin thứ 3 và 4 vẫn còn khá thấp. Nguyên nhân của vấn đề này, theo các chuyên gia và các trung tâm y tế là do phần lớn người dân chủ quan vì đã tiêm 2 mũi vắc xin; một số người sau khi mắc Covid-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3, mũi 4 vì cho rằng cơ thể đã có miễn dịch.

Bên cạnh đó, thời gian qua số ca mắc liên tục giảm sâu, nhiều người bị nhiễm có triệu chứng nhẹ và tự khỏi tạo ra sự chủ quan, lơ là. Ngoài ra, một số thông tin không chính xác trên mạng xã hội và người dân truyền tai nhau về tác dụng phụ của tiêm vắc xin gây ảnh hưởng đến tâm lý, e ngại của người dân… đã dẫn đến tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương chậm đi, thậm chí một số nơi từ chối nhận hoặc đề nghị trả lại vắc xin đã được phân bổ…

Cũng theo các chuyên gia y tế, vắc xin Covid-19 không phải là vắc xin có miễn dịch bền vững, hiệu quả bảo vệ lâu dài, mà theo thời gian sẽ giảm dần khả năng bảo vệ, miễn dịch trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến thể mới. Do đó, người dân vẫn cần phải tiêm vắc xin nhắc lại mũi 3, mũi 4 để hạn chế các ca mắc mới hoặc tái nhiễm. Việc này sẽ giúp tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ bởi những liều tiêm cơ bản trước đây sau một thời gian kháng thể sẽ giảm dần, giúp duy trì khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh, chuyển bệnh nặng và tử vong do Covid-19.

MAI THANH VĂN

Related articles
Tăng cường tiêm vắc xin phòng Covid-19
BTO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các sở, ban, ngành thực hiện tốt một số nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 bảo đảm đạt kết quả cao nhất và không để lãng phí vắc xin mà Trung ương phân bổ cho tỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm vắc xin Covid-19 mũi nhắc lại là hết sức cần thiết