Thực hư việc cô gái 18 tuổi nghi lừa đảo bị đưa lên mạng xã hội

19/12/2024, 05:19

Để có tiền chuyển cho đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội, nạn nhân đã đi mượn tiền của nhiều người và bị một trong số những người cho mượn bức xúc đưa lên mạng xã hội cho rằng lừa đảo.

20241213_103314.jpg
NTKT bị các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội lừa mất tiền.

Những ngày qua, người dân thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận xôn xao chuyện một cô gái ở địa phương lừa tiền của nhiều người bị đưa lên mạng xã hội. Cô gái ấy là NTKT (SN 2006, ngụ ở xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình) đang là nhân viên tiệm cà phê R ở Chợ Lầu.

T làm việc tại tiệm R từ khoảng 2 năm nay. Quá trình làm việc, những lúc rảnh rỗi, T lướt mạng xã hội. Trong một lần lướt, T thấy tài khoản facebook Miu Miu Shop có đăng cần tuyển nhân viên, rồi nhấp chuột vào. Chủ tài khoản này nhắn tin lại nói rằng, đang cần nhân viên trực website chốt xử lý đơn hàng online và hỏi T có làm được không? T không do dự đồng ý.

anh-2.jpg
Đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội hướng dẫn T thực hiện nhiệm vụ... Chúng còn xúi giục T đi mượn tiền để thực hiện. 

Rồi T nhận được hướng dẫn truy cập vào một đường link, nhập số điện thoại, tự tạo mật khẩu, mã số, liên kết tài khoản ngân hàng... đăng ký tham gia với tư cách là cộng tác viên. Sau đó, T nhận nhiệm vụ thực hiện theo chỉ dẫn của chủ tài khoản. Mỗi nhiệm vụ là đơn hàng bằng những mẫu quần, áo, loa, bàn chải điện, máy chiếu mini… kèm theo giá bán.

Ban đầu chủ tài khoản tặng cho T số vốn lưu động 30.000 đồng để xử lý đơn hàng, vì ưu tiên cộng tác viên mới. Sau đó, T nhận đơn hàng 89.000 đồng, nhưng để xử lý đơn hàng này T phải nạp 79.000 đồng vào ví Momo chuyển cho chủ tài khoản. Rồi xem vốn lưu động mà chủ tài khoản vừa tặng còn bao nhiêu, nếu không đủ số tiền theo đơn hàng phải nạp tiền vào cho đủ... Cứ như vậy, các đơn hàng tiếp theo thực hiện tương tự, đồng nghĩa là hoàn thành nhiệm vụ, được hưởng hoa hồng. T chia sẻ, đơn hàng đầu họ có chuyển tiền hoa hồng cho em rút được vài chục ngàn đồng, nhưng những lần sau họ giữ luôn cả vốn và tiền hoa hồng, yêu cầu em thực hiện xong các đơn hàng tiếp theo thì mới được rút vốn và hoa hồng.

untitled-1.jpg
Nhiều người cho T mượn tiền đã bình luận trên mạng xã hội khi bà N đăng tải clip.

Do sợ mất tiền vì đã lỡ tham gia, T cố làm theo chỉ dẫn của chủ tài khoản với hy vọng họ sẽ chuyển trả lại tiền cho mình được ít nào hay ít đó. Chính vì vậy, T đã đi mượn tiền của nhiều người để gỡ lại vốn. Tuần qua, sau khi mượn tiền của nhiều người bao gồm bạn bè và những người quen biết, T đến tiệm tạp hóa P.N cách tiệm cà phê R, nơi mình làm việc không xa. T nói với bà N - chủ tiệm tạp hóa, chuyển giúp 8 triệu đồng vào tài khoản mình, với lý do người thân đang cấp cứu tại bệnh viện, cần tiền gấp, rồi sẽ trả lại tiền mặt cho bà. Bà N thấy vậy, động lòng thương chuyển vào tài khoản của T 8 triệu đồng, nhưng không thấy T trả lại bà tiền mặt.

anh-ghep.jpg
Các đối tác của bà D đã nhắn tin yêu cầu bà D giải trình vì tên của bà nhắc trong clip lừa đảo của bà N.

Bà N cho biết, tôi đang ngồi bán hàng, T tỏ ra hoảng hốt đến nhờ tôi chuyển khoản giúp 8 triệu đồng vì nhà có người thân tai nạn giao thông cần tiền. Không do dự tôi chuyển số tiền này vào tài khoản của T vì nghĩ ai cũng có lúc khó khăn. Nhưng sau đó T không đưa lại 8 triệu đồng mà cứ ngồi bấm điện thoại, còn hỏi tôi mượn thêm 10 triệu đồng nữa. Nghi có dấu hiệu lừa đảo, tôi yêu cầu T gọi điện về cho cha mẹ, nhưng T không gọi mà giải thích tiền của mình đang ở trong điện thoại, chút nữa có người chuyển lại sẽ trả cho bà... Vì bức xúc, tôi đưa T lên mạng xã hội facebook bằng hình thức livestream, với mục đích để cho cha mẹ của T thấy đến trả tiền…

Sau đó, cha mẹ của T đến gặp bà N trả lại tiền, với mong muốn sau khi trả tiền, bà N gỡ clip đăng con mình trên mạng xã hội để không ảnh hưởng đến tương lai của T. “Gia đình tôi cảm ơn bà N rất nhiều, nếu không có bà thì T tiếp tục vay mượn tiền của nhiều người khác, nhưng nếu bà N bình tĩnh không quay mặt cháu đưa lên mạng xã hội. Bà có thể đưa T ra công an thị trấn gần đó...”, bà Nguyễn Thị L, mẹ của T vừa khóc vừa nói. Đồng thời, bà giải thích: “T không phải là người lừa đảo, cháu mới 18 tuổi, chưa có va chạm cuộc sống nhiều, cháu cũng chỉ là nạn nhân của lừa đảo qua mạng xã hội. Những ngày qua gia đình tôi đi chợ hoặc đi đâu ai cũng hỏi và nhìn chúng tôi bằng ánh mắt ghẻ lạnh.

Cũng theo mẹ T, tổng số tiền T mượn để chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội là hơn 24 triệu đồng và bà đã đi vay mượn trả hết, bao gồm cả tiền của bà N”.

Tuy vậy, sự việc chưa dừng lại, khi những ngày qua các đối tác làm ăn của bà LD, chủ tiệm cà phê R, liên tục gọi điện và nhắn tin cho bà D hỏi về việc tên của bà có nhắc trong clip phản ánh T lừa đảo trên mạng xã hội. Đồng thời yêu cầu bà giải thích, bà D cho biết: Bà đang rất bức xúc về tình trạng này, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bà. Bà cũng đã làm đơn gửi đến công an yêu cầu làm rõ.

Công an thị trấn Chợ Lầu xác nhận sự việc trên có xảy ra trên địa bàn thị trấn, hiện đang trong thời gian giải quyết. Ông Huỳnh Thái An, Trưởng khu phố Xuân An 2, thị trấn Chợ Lầu cũng bày tỏ mong muốn vụ việc sớm được làm rõ để không lan truyền thông tin xấu trong nhân dân.

Đó là những gì về cô gái 18 tuổi nghi lừa đảo bị đưa lên mạng xã hội những ngày qua râm ran ở Bắc Bình. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho mọi người, nhất là thanh niên mới lớn, cần cân nhắc khi tìm việc làm qua mạng xã hội. Bởi mạng xã hội là “con dao hai lưỡi”, nếu không cẩn thận sẽ tiền mất tật mang. Điều này đã được công an cũng như phương tiện truyền thông đưa tin cảnh báo nhiều trong thời gian qua.

NINH CHINH

Related articles
Các thủ đoạn lừa đảo qua mạng và một số biện pháp phòng ngừa
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng Internet ngày càng gia tăng, phức tạp, với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.

(0) Comments
Focus
Chuyển đổi số: Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các trụ cột chính là địa phương số, kinh tế số, xã hội số. Chính vì vậy, Bình Thuận xác định lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và mục tiêu, động lực của chuyển đổi số nhằm hướng đến chính quyền số để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hư việc cô gái 18 tuổi nghi lừa đảo bị đưa lên mạng xã hội