Theo đó, để triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế bầu cử trong Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tỉnh nghiên cứu, tổ chức triển khai quán triệt sâu kỹ nội dung Quy chế bầu cử trong Đảng; đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc nội dung Quy chế bầu cử trong Đảng. Trong thời gian chờ hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, nhằm kịp thời triển khai Quy chế bầu cử trong Đảng để tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc trong thời gian tới, lưu ý một số điểm mới sau:
1. Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Quy chế này được áp dụng đối với việc bầu cử tại đại hội chi bộ, đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử ở hội nghị ban chấp hành, hội nghị ủy ban kiểm tra. Việc bầu cử ở Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng do Đại hội quyết định. Cấp ủy, tổ chức đảng giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được vận dụng theo Quy chế này.
2. Về nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội (Điều 4). Lưu ý cấp ủy triệu tập đại hội:
- Chuẩn bị đề án nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên; đề án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các điều kiện để tổ chức hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp mình theo quy định.
- Chuẩn bị số lượng, danh sách và nhân sự đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, thư ký đại hội, ban thẩm tra tư cách đại biểu để trình đại hội xem xét, biểu quyết thông qua.
3. Về nhiệm vụ của đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội (Điều 5): Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp và chỉ đạo thực hiện đúng đề án nhân sự ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư cấp ủy đã được cấp có thẩm quyền thông qua cho đến khi bầu được ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy khóa mới.
4. Về nhiệm vụ của ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội (Điều 7) nhằm quy định đầy đủ các tổ chức điều hành, giúp việc đại hội được quy định tại Điều lệ Đảng và Quy định thi hành Điều lệ Đảng.
5. Về ứng cử và thủ tục ứng cử (Điều 9): Cấp ủy viên ứng cử để được bầu vào ủy ban kiểm tra,ủy viên ban thường vụ ứng cử để được bầu làm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp mình (trừ các trường hợp quy định tại Điều 11 của Quy chế này).
6. Về đề cử và thủ tục đề cử (Điều 10): Người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
7. Về quy định số dư và danh sách bầu cử (Điều 14)
- Người ứng cử, người được đề cử mà không được cấp ủy triệu tập đại hội đề cử phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và phải được từ trên 30% tổng số đại biểu (đảng viên) dự đại hội (hội nghị) đồng ý giới thiệu mới được đưa vào danh sách để đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định.
- Trường hợp cần bầu lấy số lượng từ 1 đến 6 người, danh sách bầu cử có số dư tối đa là 1 người.
8. Về phiếu bầu cử (Điều 15)
- Trường hợp danh sách bầu có số dư, phiếu bầu được chia làm 02 cột là: Số thứ tự, họ và tên. Người bầu cử nếu không bầu cho ai trong danh sách bầu cử thì gạch giữa cả chữ họ và tên của người mà mình không bầu.
- Phiếu không hợp lệ là phiếu không do ban kiểm phiếu phát ra; phiếu bầu nhiều hơn số lượng quy định; phiếu không bầu cho ai trong danh sách bầu cử nhiều người; phiếu đánh dấu X vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý hoặc để trống cả hai ô trong danh sách bầu cử chỉ có một người; phiếu đánh dấu X vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý tương ứng với họ và tên của tất cả những người trong danh sách bầu cử có nhiều người; phiếu bầu người ngoài danh sách bầu cử; phiếu có đánh dấu hoặc dùng nhiều loại mực; phiếu ký tên hoặc viết thêm.
9. Về danh sách trích ngang của các ứng cử viên (Điều 16): Từ đại hội đảng bộ cơ sở trở lên, trước khi tiến hành bỏ phiếu chính thức, đoàn chủ tịch đại hội cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên để đại biểu nghiên cứu trước.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng; trong quá trình triển khai có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) để tổng hợp, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương Đảng.