Du lịch là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội lực chưa lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế và với độ mở nền kinh tế lớn nên chịu tác động nhiều bởi diễn biến tình hình thế giới. Bên cạnh những khó khăn, cũng có không ít thời cơ và thuận lợi. Vấn đề là phải cùng nhau khai thác tốt nhất các cơ hội, nhận diện, hóa giải khó khăn, vượt qua thách thức. Du lịch Việt Nam trong 10 tháng qua có khởi sắc hơn, đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại. Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là thực hiện "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện". Nhất là thúc đẩy các hoạt động marketing kỹ thuật số. Bởi vì hiện nay, việc sử dụng marketing, tiếp thị kỹ thuật số để đẩy mạnh phát triển ngành du lịch là hướng đi mới mà các tỉnh, thành phố đang hướng đến. Thực tế hiện nay cho thấy, hầu như khách du lịch đều sử dụng các thiết bị được kết nối với Internet, sử dụng mạng xã hội cũng như các công cụ tìm kiếm để tra cứu thông tin các tour du lịch hoặc các dịch vụ bán lẻ như: thuê xe, thuê dịch vụ tại điểm du lịch, nơi sẽ lưu trú. Phần lớn các doanh nghiệp trong ngành Lữ hành và du lịch đã sử dụng tiếp thị kỹ thuật số hoạt động tốt hơn nhiều so với những doanh nghiệp không sử dụng. Một báo cáo gần đây cho thấy, hiện có 3,2 tỷ người dùng điện thoại thông minh trên toàn thế giới, tức là khoảng 50% dân số thế giới. Như vậy, chỉ cần thu hút khách hàng tiềm năng chú ý đến dịch vụ du lịch của địa phương nào đó là có thể mang lại hiệu quả kinh doanh tối đa nhất.
Khi công nghệ phát triển như hiện nay, chỉ cần cung cấp tour hay dịch vụ du lịch hấp dẫn trên Internet đó là cơ hội tốt để tương tác, chăm sóc khách hàng tiềm năng trước, trong và sau quá trình họ sử dụng dịch vụ du lịch. Điều này tạo sự tin tưởng để du khách tiếp tục lựa chọn làm đơn vị cung cấp dịch vụ cho những chuyến đi sau. Tiếp thị kỹ thuật số còn là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch và lữ hành thu thập và phân tích dữ liệu tốt hơn, vạch ra bức tranh toàn cảnh về đối tượng khách hàng tiềm năng cũng như cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng. Từ đó, sẽ có thể hiểu khách hàng và cung cấp cho họ những gì họ thực sự đang tìm kiếm với những chuyến đi du lịch tiếp theo của họ, đồng thời thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đi đúng hướng. Có thể khẳng định rằng, ngành du lịch cần đẩy mạnh việc sử dụng Digital marketing, đây là một trong những phương pháp tiếp cận thị trường kinh doanh thành công nhất hiện nay. Sự phát triển của Digital marketing được nhân lên nhanh chóng bởi sự phát triển mở rộng của phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong tất cả các khía cạnh của đời sống từ Email đến mạng xã hội, các thiết bị di động và máy tính bảng… Du lịch là một trong những ngành được hưởng lợi rất lớn từ các phương thức Digital marketing. Cũng giống như những ngành khác, Digital marketing trong ngành Du lịch đã phát triển rất mạnh những năm gần đây và công cụ để giúp Digital marketing thành công. Ngành Du lịch đáp ứng được nhiều mục tiêu như xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tạo việc làm tại chỗ, tăng nguồn lưu thông tiền mặt và xuất khẩu tại chỗ các sản vật địa phương.
Thời gian tới, cùng với sự định hướng của Đảng, sự phối hợp quản lý giữa các ngành, Du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn nữa, để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.