Sở hữu nhiều lễ hội lớn và đa dạng các loại hình
Hiện nay TP. Phan Thiết đã hoàn thành xây dựng mới 2 khu thiết chế thể thao tại phường Phú Hài và phường Mũi Né, 2 khu thiết chế này được giao cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao & Du lịch quản lý, hiện đơn vị này đang xây dựng đề án khai thác sử dụng. Thành phố cũng đã xây dựng mới 2 Trung tâm Văn hóa – Thể thao tại 2 xã Tiến Lợi, xã Tiến Thành; 90% khu phố, thôn có nhà văn hóa.
Bên cạnh đó, thành phố luôn chú trọng việc đẩy mạnh quảng bá văn hóa, tiềm năng phát triển kinh tế du lịch của địa phương thông qua việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của các lễ hội truyền thống có quy mô lớn như: Lễ hội Trung thu, Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân, Đua thuyền, Ngày hội chạy vượt Đồi cát Mũi Né… Các dinh, vạn ở các phường, xã cũng đã duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống theo đúng nghi thức, an toàn và tiết kiệm. Đồng thời có nhiều loại hình văn hóa, thể thao như: Sân bóng đá; cơ sở thể dục thẩm mỹ, yoga, thể hình.
Về khu vui chơi giải trí cho trẻ em có Nhà Thiếu nhi tỉnh đóng trên địa bàn, Nhà thiếu nhi thành phố, 2 siêu thị, một số trò chơi tại công viên và khu du lịch… Tại các phường, xã cũng tổ chức hàng trăm buổi văn nghệ, giải thi đấu thể thao, góp phần khơi dậy phong trào văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao của thành phố phát triển rộng khắp. Các hoạt động phong phú về nội dung, đa dạng loại hình, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đơn vị, trường học và lực lượng vũ trang tham gia.
Nan giải vấn đề quỹ đất và kinh phí
Ông Nguyễn Thế Dũng – Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin TP. Phan Thiết cho biết, khó khăn nhất của thành phố là thiếu quỹ đất để xây dựng các thiết chế. Hiện nay chỉ có các xã là xây dựng được, bởi xã khi thực hiện chương trình nông thôn mới là có quỹ đất để thực hiện tiêu chí này. Đối với các phường hiện nay là hầu như không có nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa. Trong khi sắp tới thực hiện theo quy định mới về tiêu chí văn hóa là yêu cầu phải có mới đạt chỉ tiêu văn minh đô thị, do vậy thành phố đang rất lúng túng trong việc này. Đồng thời khi đề cập đến vấn đề quy hoạch phân khu của các địa phương, thành phố đang tính toán dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế. Khó khăn nữa được ông Dũng chỉ ra là vấn đề kinh phí đầu tư sửa chữa còn hạn hẹp. Tính đến nay, trên địa bàn TP. Phan Thiết có 17 di tích được xếp hạng công nhận; trong đó có 9 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 8 di tích cấp quốc gia. Những năm qua cùng với kinh phí nhà nước là sự đóng góp của quần chúng nhân dân cho việc trùng tu, tôn tạo. Ngoài ra, kinh phí eo hẹp dẫn đến có tình trạng nhiều nhà văn hóa thường xuyên đóng cửa, chỉ mở cửa khi họp dân hoặc tổ chức hoạt động vào dịp kỷ niệm các ngày lễ, kỷ niệm.
Ông Nguyễn Nam Long – Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cũng chia sẻ, thành phố chưa có trung tâm thể thao, nhà thi đấu đa năng, đến khi có kế hoạch tổ chức các giải thể thao như bóng đá, bơi lội, Hội khỏe Phù Đổng… thì phải đi thuê sân bãi, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, thời gian chất lượng phong trào của địa phương. Để giải quyết tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết sẽ xin lại đất của Rạp 19/4 cũ (đường Nguyễn Du) và Rạp Lao Động cũ (nằm trên đường Nguyễn Huệ) để làm thư viện cấp thành phố và làm một nhà thi đấu để dành cho Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố. Đối với 2 thiết chế văn hóa, thành phố cũng đang nghiên cứu để chuyển đổi công năng thành nhà thi đấu đa năng, sẽ giao cho Phòng Văn hóa Thông tin với 2 phường Phú Hài, Mũi Né nghiên cứu tham mưu theo hướng Nhà nước đầu tư và sẽ giao về cho địa phương quản lý để phục vụ cho cộng đồng.
Qua rà soát, đánh giá TP. Phan Thiết cũng nhận thấy một số địa phương chưa thực sự quan tâm và có biện pháp hỗ trợ hoạt động của các nhà văn hóa – khu thể thao thôn; chưa sâu sát trong chỉ đạo, quản lý, tổ chức xây dựng phong trào hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Thị trường văn hóa và thị hiếu của người dân thay đổi nhanh nhưng nhiều nơi chưa bắt kịp, thiếu sáng tạo, chưa thu hút được sự tham gia tích cực của người dân…