Làm điểm
Là xã có cánh đồng lúa rộng lớn, Tân Thắng được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 công trình thủy lợi là đập Cô Kiều và đập Sông Tram. Toàn xã có 6.865,9 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đất chuyên canh lúa nước là 225 ha. Chị Võ Thị Hoài – công chức địa chính xây dựng phụ trách nông nghiệp nông thôn mới cho biết: Trước đây khi chưa phát động phong trào làm thủy lợi nhỏ, kênh mương thủy lợi ở xã Tân Thắng chủ yếu kênh đất, không tiết kiệm được nguồn nước. Hơn thế, kênh đất bị bồi lấp thường xuyên nên phải tốn kinh phí để nạo vét khơi thông dòng chảy. Để đưa nguồn nước đảm bảo đủ tưới đến các cánh đồng, bắt đầu từ năm 2017, huyện Hàm Tân đã tổ chức lễ phát động ra quân làm thủy lợi nhỏ tại Tân Thắng. Lúc ấy, lãnh đạo UBND huyện Hàm Tân đã kêu gọi các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân trên địa bàn ra quân làm thủy lợi nhỏ. Đồng thời, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua làm thủy lợi nhỏ, phát triển kinh tế nông nghiệp.
Chị Hoài cho biết thêm, từ khi phát động đến nay, xã luôn duy trì phong trào làm thủy lợi nhỏ. Mới đây nhất, trong tháng 3 và tháng 6/2020, xã đã thi công hoàn thành 2 tuyến kênh N9 và N5 với tổng chiều dài 1.159m với tổng kinh phí 1.131,435 triệu đồng, mở rộng thêm diện tích tưới trên 20 ha. Hơn thế, trước đây khi không có kênh mương, bà con sản xuất dọc 2 cánh đồng bờ kênh N9, N5 chỉ sản xuất được 1 – 2 vụ, bơm nước từ suối lên chi phí rất cao. Bây giờ người dân sản xuất 3 vụ, lấy nước từ kênh ra đồng không tốn chi phí bơm, lại không thất thoát nước.
Nhân rộng
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Tân, từ năm 2016, huyện đã thực hiện Đề án làm thủy lợi nhỏ. Theo đó, đã triển khai thực hiện kiên cố 8 tuyến kênh nội đồng với tổng kinh phí 9,3 tỷ đồng; xây dựng 2 đập tràn ở Sông Phan với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng, trong đó dân đóng góp 59,237 triệu đồng…
Nổi bật, xã Tân Đức đã vận động nhân dân đóng góp khoảng 300 triệu đồng xây dựng đập dâng giữ nước trên lưu vực Suối Giêng 2, tưới cho 200ha đất nông nghiệp và tận dụng bờ đập làm đường giao thông đi lại sản xuất thuận lợi. Còn xã Sông Phan đã tiến hành khảo sát, cắm tuyến, mốc giới tuyến kênh mương nội đồng dài 1.200 m để tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất thi công, phục vụ nước tưới cho đồng ruộng. Riêng xã Tân Xuân cũng đã khảo sát xong tuyến kênh mương nội đồng dài 1.117 m và tổ chức họp dân để phổ biến, vận động tham gia hiến đất, đóng góp kinh phí thi công tuyến kênh mương, cung cấp nước tưới cho cây trồng. Các ngành chức năng huyện đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tập trung vận động các hộ dân có diện tích đất bị thu hồi nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tuyến kênh dẫn nước Sông Phan, đập Cô Kiều…
Như vậy, sau lễ phát động đến nay, toàn huyện đã hưởng ứng triển khai thi công 3 đập tràn, 1 đập ngăn chống úng sông Cô Kiều, đào 20 ao trữ nước, nạo vét 2.100m kênh mương. Không chỉ vậy, nhân dân còn chủ động đầu tư hàng trăm giếng khoan, ao hồ... Từ đó huyện đã chủ động được nguồn nước tưới khoảng 1.000 ha/500 ha tỉnh giao, đạt 200%, góp phần tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Lãnh đạo huyện Hàm Tân cho rằng, nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh vào các công trình thủy lợi, đến nay diện tích đất sản xuất nông nghiệp tưới chủ động của người dân trong huyện được nâng lên khoảng 1.669 ha (so với trước đây chưa có công trình thủy lợi). Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển các loại cây hiệu quả, có giá trị kinh tế, góp phần đưa ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục khởi sắc.
KIM ANH