Theo “Hành trình Biển và Hoa” tại Tuy Phong

02/01/2024, 05:39

Xuôi bao đèo dốc cũng như ngắm được bao thắng cảnh núi rừng, sông suối, ao hồ từ trên cao thuộc xã Phan Dũng, du khách cũng phải ngỡ ngàng trước những mảng trắng xóa trải rộng ở phía dưới. Tới gần thì thấy là táo, là nho tỏa cành trong nhà lưới rất đặc biệt, rất sáng tạo của chính người dân nơi đây.

Có một “cửa ngõ” như Phan Dũng

Những ngày này, Phan Dũng đang bắt đầu vào mùa thu hoạch lúa mùa nên những cánh đồng trong xã đã nhuốm vàng mọi nẻo trên các lối đi. Con đường chính vào xã vừa mới được tu sửa lại, tráng nhựa đen, uốn lượn nhìn từ xa mượt như tấm lụa mềm, tạo không gian lãng mạn ở miền núi. Không khí buổi sáng ở đây se lạnh, như ảnh hưởng khí hậu vùng cao nguyên, dù mặt trời đã lên cao. Nắng tràn qua, soi giọt sương nặng còn sót lại trên lá cũng là khi những du khách của đoàn trekking từ Tà Năng (Lâm Đồng) tràn xuống Phan Dũng (Tuy Phong – Bình Thuận).

hanh-trinh.jpg
Quang cảnh hai bên tuyến đường Tà Năng - Phan Dũng. Ảnh: Ngọc Lân

Xã miền núi này đón khách bao giờ cũng vào buổi sáng. Lịch trình của các đoàn trekking lâu nay đã đặt ra như thế, vì đường đi từ vùng hoa sang vùng biển theo thời gian ấy là hợp lý. Khách thường nghỉ đêm tại ngọn đồi có tên 2 cây thông nằm ở ranh giới của 3 tỉnh gồm Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Sáng sớm hôm sau, họ tiếp tục lên đường về trung tâm xã Phan Dũng. Tại đây, các đoàn đến tham quan hồ Phan Dũng từ bên ngoài hàng rào, ở dưới kênh mương, tha hồ sử dụng dòng nước mát để giặt giũ, rửa ráy. Sau đó, ghé các quán gần hồ để thưởng thức các món ăn lạ miệng được chế biến từ các sản vật của người Rắc Lây.

Ai đã từng uống rượu cần ở Phan Dũng sẽ quay lại thưởng thức lần nữa, vì sự tinh khiết, thanh nồng của hạt lúa trồng hữu cơ được ủ theo phương pháp cổ truyền. Tương tự, ai chưa ăn gà nuôi nhưng như gà rừng ở đây, cũng là thiếu sót, không chỉ vì thịt gà dai, ngọt, thơm mà còn vì độ khan hiếm. Chuyện là người dân Phan Dũng nuôi gà nhưng thả tự do nên chỉ gần tối, gà mới về chuồng hoặc có khi không về mà tá túc đâu đó. Thế nên, chủ nuôi không bắt được gà thì quán cũng không có gà để bán. Rồi heo đen, dù được nuôi nhưng cũng lớn lên rất tự nhiên, không lo có thức ăn tăng trọng như dưới xuôi. Chưa hết, còn có bắp do đồng bào ở đây trồng, cũng là một đặc sản mà nhiều người hay gọi là bắp nguyên thủy. Có thể nhờ khí hậu, tính chất đất ở miền núi, ở nơi giáp ranh vùng lạnh và cả cách trồng trọt theo kiểu như thời ông bà nên trái bắp rất ngon mà không có từ ngữ nào để diễn tả.

Thêm nữa, trong đầu năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phong đã triển khai mô hình trồng thâm canh dừa xiêm lùn ở Phan Dũng. Hiện đã có 13 hộ đã nhận giống, vật tư, phân bón đầy đủ trồng 5 ha. Song song, Trung tâm kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn trồng thâm canh cây dừa theo GAP; trồng thâm canh mít theo GAP cùng tập huấn các lớp với các nội dung như chế biến, bảo quản thức ăn cho gia súc; kỹ thuật chăn nuôi gà thịt thả vườn an toàn sinh học… Vì thế, có thể năm sau, du khách sau chặng đường đi bộ, dừng chân tại Phan Dũng sẽ thưởng thức đa dạng món ăn, thức uống mà chỉ cần nâng tầm một chút đã tạo nên ẩm thực miền núi Phan Dũng.

Đường về phía biển

Phan Dũng là cửa ngõ về phía biển của tuyến du lịch trekking Tà Năng - Phan Dũng, vốn được 2 tỉnh chính thức phối hợp đưa vào thử nghiệm trong năm 2023, khi mấy năm trước đó du khách đã mở ra tự phát. Thế nên, Tuy Phong vẫn đón lượng khách qua cung đường này qua mỗi năm một tăng như năm 2022 thu hút 6.230 lượt khách; năm 2023 đón hơn 10.000 lượt khách. Thật ra, cung đường thử nghiệm Tà Năng – Phan Dũng nằm trong Chương trình liên kết phát triển du lịch “Hành trình Biển và Hoa” giữa Lâm Đồng và Bình Thuận. Và Phan Dũng là nơi du khách đặt chân đầu tiên cho hành trình về với biển.

Xuôi bao đèo dốc cũng như ngắm được bao thắng cảnh núi rừng, sông suối, ao hồ từ trên cao, du khách cũng phải ngỡ ngàng trước những mảng trắng xóa trải rộng ở phía dưới. Càng xuống đồng bằng, càng thấy rõ như nhà lưới ở Lâm Đồng nhưng ai cũng hỏi rằng trong cái nắng gió gắt của miền biển này thì trồng gì. Tới gần thì là táo, là nho tỏa cành trong nhà lưới rất đặc biệt, rất sáng tạo của chính người dân nơi đây. Táo của xã Phong Phú. Nho của xã Phước Thể. Những mô hình sản xuất nông nghiệp này đã thu hút khách đến tham quan, thưởng thức trái và mua mang về làm quà từ mấy năm qua, đã góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch Tuy Phong, bên cạnh sản vật từ biển.

Về tới Liên Hương sang Bình Thạnh thăm chùa Cổ Thạch, tắm biển, thưởng thức hải sản rồi có thể tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh như thắng cảnh Bãi đá Cà Dược, thắng cảnh Hòn Cau, Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn... Đặc biệt là khu di tích thắng cảnh Hòn Cau, đây cũng là nơi được bảo tồn biển với điểm nổi bật là nơi sinh sản của các loài rùa biển nên thu hút du khách về khám phá ngày càng đông như năm 2022 đón 8.295 lượt khách, năm 2023 đón hơn 11.000 lượt khách.

Tại cuộc họp tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Tuy Phong kiến nghị: Quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng vành đai du lịch chung phía Bắc của tỉnh gắn với phát triển sản phẩm du lịch đa dạng về sinh thái rừng (Phan Dũng) - biển (Liên Hương, Bình Thạnh) - đảo (Hòn Cau – Phước Thể). Song song, Quy hoạch tổng thể khu Đô thị du lịch Bình Thạnh nhằm tạo chuỗi liên kết phát triển du lịch từ Khu du lịch Cổ Thạch - Bình Thạnh hướng về thị trấn Liên Hương - kết nối xã Phước Thể (đảo Cù Lao Cau) khoảng 4 km.

HẢO CHI

Related articles
 
Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm logistics của khu vực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên
BTO-Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây sẽ là cơ hội mới cho Bình Thuận trở thành trung tâm kinh tế của khu vực.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Theo “Hành trình Biển và Hoa” tại Tuy Phong