Thêm cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm Bình Thuận tại thị trường lớn nhất cả nước

25/04/2024, 05:04

Sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Bình Thuận được ghi nhận rất phong phú về chủng loại từ miền biển, hải đảo đến các vùng đồng bằng, miền núi và gắn với lợi thế của tỉnh. Do vậy thông qua Tuần lễ Triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh, địa phương kỳ vọng có thêm cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường tiềm năng nhất cả nước.

Sở Công Thương Bình Thuận cho biết hiện toàn tỉnh có 128 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (bao gồm 94 sản phẩm 3 sao, 32 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao) và 60 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó nổi bật là những sản phẩm chế biến từ thủy sản (nước mắm truyền thống, các loại hải đặc sản), thanh long (sấy khô - dẻo, mứt, rượu - nước giải khát...) hoặc sản phẩm từ tổ yến và đa dạng sản phẩm từ nông sản khác...

z5376186919276_db14e2e3f4bbad48a68aed32aec583ad.jpg
img_5711.jpg
img_5671.jpg
z5376187280460_7bb296acd61a5b088a6998d383ccab13.jpg
z5376187350510_6b5660c70fc0e0aea7ac851674a169f7.jpg
Phong phú sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận được giới thiệu tại sự kiện.

Nhằm triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh thành, Sở Công Thương vừa phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Tuần lễ Triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024. Sự kiện diễn ra từ ngày 22 - 28/4 tại Showroom Xuất khẩu (đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) là điểm đến yêu thích của người dân thành phố cũng như khách du lịch khi có nhu cầu tìm hiểu thông tin và mua sắm sản phẩm đặc trưng vùng miền trên dải đất hình chữ S.

img_5760.jpg
img_5731.jpg
z5376186545073_db76193b93648f2b0bb07cf0c1616365.jpg
img_5741.jpg
Đây được xem là cơ hội tốt để địa phương và doanh nghiệp trực tiếp giới thiệu, quảng bá, kết nối và ký biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm với các đối tác tại TP. Hồ Chí Minh.

Góp mặt tại Tuần lễ Triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh có 21 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia với gần 190 sản phẩm. Ngoài mục đích đẩy mạnh quảng bá tiềm năng và xúc tiến thương mại, sự kiện được tổ chức còn hướng đến hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp địa phương giới thiệu sản phẩm đặc trưng, thế mạnh mà nhất là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP… Qua đó tìm kiếm cơ hội mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm cũng như tăng cường kết nối, hợp tác phát triển kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh - thị trường tiềm năng nhất của cả nước.

Theo ông Trần Phú Lữ - Giám đốc ITPC thì TP. Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao tiềm năng, lợi thế và mong muốn thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với Bình Thuận. Bởi đây là địa phương có vị trí “cầu nối” giữa các vùng Đông Nam bộ - Tây nguyên - Nam Trung bộ, nằm kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sở hữu nhiều thế mạnh trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chất lượng gắn với định hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và có hệ sinh thái phát triển bền vững... Trong khi TP. Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ lớn trên 10 triệu dân, có hệ thống phân phối phát triển và là cửa ngõ kết nối giao thương với quốc tế, một trung tâm sản xuất - xuất khẩu với nhiều doanh nghiệp đầu mối. Thế nên, TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng hỗ trợ, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất địa phương mà đặc biệt với sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Bình Thuận.

Trong khuôn khổ sự kiện này, hai bên cũng đã tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Bình Thuận với doanh nghiệp, nhà phân phối của TP. Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh trực tiếp giới thiệu, quảng bá, kết nối với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử... ngay tại TP. Hồ Chí Minh. Được biết thông qua hội nghị, bước đầu có 8 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Bình Thuận đã kết nối với đối tác để thương thảo và ký 10 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh để làm cơ sở cho việc xúc tiến các hợp đồng mua - bán, cung ứng - tiêu thụ sản phẩm tiếp theo…

QUỐC TÍN

Related articles
Đề xuất triển khai kinh tế ban đêm tại Tánh Linh
Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tánh Linh vừa phối hợp UBND thị trấn Lạc Tánh tiến hành rà soát, đề xuất lựa chọn khu vực, tuyến đường để xây dựng kế hoạch triển khai phát triển kinh tế ban đêm tại địa phương.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm Bình Thuận tại thị trường lớn nhất cả nước