Tháp nước Phan Thiết - hình ảnh khó quên của người xa quê

12/01/2024, 05:34

Bà Phạm Thị Hương Xuân, sinh ra và lớn lên ở làng gốm Đức Nghĩa (Phan Thiết). Trước ngày miền Nam giải phóng bà sang Úc định cư cùng gia đình. Gần 50 năm trở về quê hương bà Xuân thấy địa danh nào cũng thay đổi, lạ lẫm.

9af0.jpg
Tháp nước Phan Thiết chụp trước năm 1975

Ngày đầu tiên bà ra cánh đồng muối trắng ngày xưa thẳng cánh cò bay có địa danh Sở Muối, Bến Lội bà không thể hình dung được bởi phố, phường nhà cao tầng mọc lên san sát. Hay hai bên đường ra Mũi Né những hàng dừa trĩu trái ngày trước đã thay thế cả trăm resort lộng lẫy.

Bà Hương Xuân chia sẻ: “Về lại quê hương tôi chỉ còn nhận ra tháp nước đứng sừng sững bên dòng sông Cà Ty mà thôi. Tất cả đã thay đổi. Vì thế, mấy ngày liền tôi cố tìm lại những bức ảnh ngày trước về tháp nước, về cái cầu sắt bắc qua dòng sông Cà Ty để gợi nhớ những ký ức xưa. Nhưng tôi không tìm được ảnh cũ, ảnh mới chụp thì rất nhiều nhưng khó gợi lại những ký ức tuổi thơ ngày trước…”.

dsc_9725.jpg
Tháp nước được trùng tu

Sau khi bà Phạm Thị Hương Xuân chia sẻ và trải lòng với bạn bè, quê hương trên facebook tôi đã giúp bà sưu tầm tấm ảnh tháp nước xưa (do cố NSNẢ Ngô Đình Cường chụp trước năm 1975). Tôi còn dẫn giải thêm nguồn gốc, lịch sử, kiến trúc của tháp nước Phan Thiết. Đó là vào năm 1928, tháp nước được khởi công xây dựng và hoàn thành năm 1934 do Hoàng thân Xuphanuvông – lúc đó là kiến trúc trưởng Khu công chánh Nha Trang (sau này trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) thiết kế, đồng thời chỉ huy xây dựng, nhà thầu Ưng Du đảm trách. Tháp nước cao 22 m. Phần bầu đài của tháp hay phần bồn nước hình bát giác, cao 5 m, đường kính 9 m và có thể chứa 350 m3 nước (hiện không còn sử dụng). Xung quanh bầu đài có 8 hình tròn đắp chữ nổi U.E.P.T (Usine des Eaux de Phan Thiết – Nhà máy nước Phan Thiết). Phần dưới hình trụ bát giác, dưới to trên nhỏ; đường kính chân tháp 10 m. Nóc lầu đài có 3 tầng mái che hình bát giác lợp bằng ngói móc. Trải qua 95 năm tồn tại, hứng nhiều bom đạn chiến tranh và sự khắc nghiệt của môi trường, tháp nước Phan Thiết vẫn sừng sững, uy nghi, thiêng liêng bên dòng Cà Ty hiền hòa và là biểu tượng của tỉnh Bình Thuận. Tháp càng trở nên lung linh vào buổi tối, khi được chiếu sáng bởi những ánh đèn LED màu làm cho tháp trở nên rực rỡ và gây ấn tượng, hấp dẫn du khách. Xung quanh tháp là công viên xanh, rộng rãi, thoáng đãng với nhiều cây cổ thụ thân to, tán lá rộng. Du khách có thể dạo bộ trong công viên, hoặc ngắm cảnh sông nước yên bình.

dsc_5186.jpg
dsc_0752.jpg
Tháp càng trở nên lung linh vào buổi tối, khi được chiếu sáng bởi những ánh đèn LED

Không phải chỉ có bà Phạm Thị Hương Xuân mà những người xa quê họ rất thích hình ảnh “Tháp nước Phan Thiết”. Ngày nay du khách từ phương xa đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Phan Thiết hay đi thuyền trên sông Cà Ty thường đến tháp nước chụp hình lưu niệm, tìm hiểu kiến trúc độc đáo của tháp nước và check-in cho bạn bè người thân cùng chiêm ngưỡng.

ĐÌNH HÒA

Related articles
Phan Thiết: Trồng hơn 10.000 cây xanh các loại
Thực hiện chủ đề năm “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp” và Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh, trong năm 2023 UBND TP. Phan Thiết đã trồng được 10.141 cây xanh các loại với kinh phí 1,121 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của các đơn vị, xã hội hóa và ngân sách nhà nước.

(2) Comments
Focus
Đảm bảo môi trường du lịch an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày được xác định là “cơ hội vàng” cho toàn ngành du lịch. Với lợi thế về thiên nhiên, sự đa dạng các loại hình du lịch cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, lượng khách đến Bình Thuận trong dịp Tết năm nay được dự báo sẽ tăng cao. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, ngành du lịch còn tổ chức nhiều hoạt động tăng tính trải nghiệm, tạo sân chơi cho du khách.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháp nước Phan Thiết - hình ảnh khó quên của người xa quê