Thắng Mỹ ngay trên trời Hà Nội

21/12/2022, 13:56

Sức mạnh của vũ khí không bao giờ đè bẹp được ý chí của người Việt Nam. Trái lại, không quân chiến lược của Mỹ đã bị giáng một đòn thất bại nặng nề chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ...

Chúng ta còn nhớ, ngày 5/11/1972, Richard Nixon tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai. Ngày 14/12/1972, R.Nixon gửi tối hậu thư cho ta, đòi ta phải đàm phán nghiêm chỉnh trong vòng 72 giờ (ngày 18/12 ta mới nhận được thư này) đồng thời chỉ thị cho chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Mỹ tiến hành chiến dịch mang mật danh “Linebaker 2”, dùng máy bay ném bom chiến lược B.52 và các loại máy bay chiến đấu ném bom nhiều khu vực miền Bắc Việt Nam, chủ yếu là Hà Nội và Hải Phòng. Đây là cuộc ném bom dữ dội nhất xuống miền Bắc nước ta, bắt đầu từ ngày 18/12/1972 đến ngày 30/12/1972.

anh.jpg
Các lực lượng phòng không Hà Nội tạo thành lưới lửa trên bầu trời Thủ đô, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN

Dùng B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng là biện pháp chiến lược cuối cùng mà R.Nixon rắp tâm từ lâu, nhằm đánh vào quyết tâm chống Mỹ của Ban lãnh đạo ở Hà Nội, biểu dương sức mạnh của Hoa Kỳ, răn đe đối phương, trấn an tinh thần ngụy quân, ngụy quyền đang có nguy cơ sụp đổ.

Nhưng R. Nixon đã nhầm, sức mạnh của vũ khí không bao giờ đè bẹp được ý chí của người Việt Nam. Trái lại, không quân chiến lược của Mỹ đã bị giáng một đòn thất bại nặng nề chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ... Ngày 23/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và trợ lý Tổng thống Mỹ Henry Kissinger ký tắt ngày 27/1/1973 và được bốn bên ký chính thức tại Paris. Cuộc đàm phán Paris kéo dài gần 5 năm đã kết thúc...

Về trận “Điện Biên Phủ trên không”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ, kể: “Hà Nội tháng 12 năm 1972, nhiệt độ xuống thấp hơn mọi năm. Cái rét mùa đông cộng vào cái vắng lặng của ba mươi sáu phố phường vừa được lệnh triệt để sơ tán, càng làm cho thời tiết thêm giá buốt. Cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ở Paris, thủ đô nước Pháp, đang ở bước gay go. Sau những tháng ráo riết vận động bầu cử với trò “ngoại giao con thoi” và lời hứa mang lại hòa bình, R.Nixon ở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ hai. Ở Sài Gòn, ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu run sợ trước những điều khoản bất lợi cho chúng trong thỏa thuận giữa ta và Mỹ ngày 18/10/1972, phản ứng quyết liệt với Mỹ. Các cuộc họp giữa các bên cuối tháng 11 và đầu tháng 12 không đạt kết quả nào. Trong thời gian này, Mỹ cấp tốc vận chuyển cho Thiệu một khối lượng vũ khí và phương tiện chiến tranh bằng cả một năm trước đó. Để xoa dịu Thiệu và mặc cả với ta, Nixon trở mặt ngang ngược đòi sửa đổi nhiều điều khoản trong dự thảo hiệp định, lúc này tưởng chừng sắp ký kết sau mấy năm đàm phán tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên đại lộ Klebe. Tất nhiên ta không chấp nhận. Diễn biến trên mặt trận ngoại giao dự báo sẽ có những diễn biến trên mặt trận quân sự. Ghi sâu lời dặn của Bác Hồ năm 1968 khi Người đến thăm Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua”.

xac.jpg
Xác máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi đêm 26/12/1972. Ảnh: TTXVN

“Trải qua 8 năm chiến tranh phá hoại của Mỹ, quân và dân ta có nhiều chiến công và kinh nghiệm. Nhưng với B.52 thì còn quá ít. Giữa năm 1965, Mỹ bắt đầu dùng B.52 đánh phá một số căn cứ của ta ở miền Nam. Ngày 12/4/1966, lần đầu tiên Mỹ dùng B.52 đánh ra miền Bắc ở đèo Mụ Gia (Quảng Bình), trục đường số 12, cửa khẩu Việt - Lào. Ngay khi đó, Bác Hồ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho anh Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu cách đánh máy bay B.52. Quyết tâm bắn rơi máy bay B.52 được đề ra từ đấy. Tháng 5/1966, Trung đoàn tên lửa 238 được điều vào Vĩnh Linh để nghiên cứu cách đánh B.52. Tại đây, ngày 17/9/1967, Trung đoàn này đã bắn rơi chiếc B.52 đầu tiên. Từ tháng 2/1968, Quân ủy Trung ương dự đoán Mỹ có thể dùng máy bay B.52 leo thang đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến. Suốt thời gian sau đó, nhiều đoàn cán bộ phòng không - không quân được cử vào nghiên cứu cách đánh B.52 trên vùng trời Quân khu 4. Đặc biệt, từ tháng 5/1972, để gây sức ép với ta trên bàn đàm phán, Nixon ra lệnh mở chiến dịch không quân “Line Backer-2” dùng B.52 trút hàng trăm nghìn tấn bom hòng ngăn chặn sự chi viện mạnh mẽ của miền Bắc cho miền Nam. Đây là một dịp để ta nghiên cứu cách đánh loại máy bay chiến lược này của Mỹ. Tài liệu “Cách đánh B.52” sau nhiều lần bổ sung, hoàn chỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu của bộ đội. Ngày 22/11/1972, Trung đoàn tên lửa 263 ở Tây Nghệ An bắn hạ một chiếc B.52. Chiếc máy bay rơi ở phía tây Nakhom-Phanom, cách căn cứ Utapao (Thái Lan) 64km. Hãng thông tấn Mỹ UPI buộc phải thừa nhận tin này... Các báo cáo của Cục Quân báo trong giao ban hàng ngày ở Bộ Tổng Tham mưu cho thấy địch đang ráo riết chuẩn bị: Thành lập Bộ Chỉ huy hợp nhất không quân chiến lược chỉ huy cả căn cứ Utapao (Thái Lan) và căn cứ Anderson (Guam); tập trung quá nửa số B.52 của không quân Mỹ vào hai căn cứ này; bố trí máy bay tiếp dầu KC-135, máy bay trinh sát và gây nhiễu điện tử ở căn cứ Subic (Philippines)... Trong buổi giao ban ngày 18/12/1972, Cục 2 báo cáo: Hồi 5 giờ sáng, ta bắt được tin của địch từ sân bay hỏi: “Trực thăng hôm nay cấp cứu ở đâu?”. Trưa hôm ấy, một máy bay RF-4C bay qua Hà Nội báo về căn cứ: “Thời tiết quanh Hà Nội hoạt động được”. Trên bầu trời khu 4, hoạt động của không quân địch đột ngột giảm xuống, đặc biệt không có tốp máy bay B.52 nào. Tất cả các đài ra đa của mạng cảnh giới mở máy trực ban đều không có nhiễu tích cực. Đây là dấu hiệu không bình thường, chỉ một ngày sau khi bộ đội phòng không - không quân được lệnh bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Chiều ngày 18/12/1972, chiếc chuyên cơ 195 đưa anh Lê Đức Thọ về nước đáp xuống sân bay Gia Lâm lúc 16 giờ 45 phút. Cùng khoảng thời gian ấy, Nixon gửi công hàm như một tối hậu thư, hạn trong 72 giờ ta phải trở lại bàn đàm phán theo những điều kiện của Mỹ. 19 giờ 10 phút, trong phòng làm việc của tôi (Võ Nguyên Giáp) tại Tổng hành dinh, tiếng chuông điện thoại reo vang từ một trong bốn chiếc máy có chế độ ưu tiên số một: Báo cáo thủ trưởng, B.52 đã cất cánh từ Guam, Utapao... Nhiều tốp bay dọc sông Mê Kông lên phía Bắc. Các lực lượng phòng không - không quân đã sẵn sàng, vào cấp 1 xong.

“Mấy phút sau, còi báo động rú từng hồi. 19 giờ 45 phút, có tiếng bom nổ ở phía xa. Bộ Tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân báo cáo: Máy bay địch đang đánh phá sân bay Hòa Lạc. Tiếp theo đó, nhiều tốp máy bay B.52 vào đánh các sân bay Nội Bài, Gia Lâm. Tiếng ầm ì khô và nặng của động cơ máy bay B.52 mỗi lúc một rõ dần. Những vầng lửa lóe lên, chớp giật liên hồi. Theo sau là những tràng tiếng nổ long trời. Rồng lửa Thăng Long (ý nói tên lửa - tác giả) nối nhau bay vút lên không trung, đan những vệt sáng mẩu da cam giữa màn đêm Hà Nội. Cơ quan Tổng hành dinh làm việc hối hả. Cục 2 báo cáo: Nixon đã ra lệnh bắt đầu chiến dịch Linebacker-2, dùng máy bay chiến lược B.52 từ các căn cứ Mỹ ở Thái Lan, Guam, Philippines tiến công Hà Nội, trong khi các máy cường kích F111 tiến công các sân bay gần đó. Chiến dịch này đã được Richard Nixon, Henry Kissinger và tướng Haig bàn bạc, quyết định tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, ngày 14/12/1972. Để thực hiện kế hoạch này Bộ chỉ huy Sư đoàn Không quân chiến lược lâm thời số 57 được thành lập, 50 máy bay KC-135 để tiếp dầu cho máy bay B.52 được điều thêm sang Philippines. Trên vịnh Bắc Bộ, năm tàu sân bay Mỹ đang hoạt động. Cục tác chiến khẩn trương nắm tình hình, liên tiếp chuyển lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân. 20 giờ 20 phút, chuông điện thoại đổ hồi. Ở đầu dây bên kia là đồng chí Nguyễn Quang Bích, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân: Báo cáo Đại tướng, hồi 20 giờ 16 phút, Tiểu đoàn 59 Trung đoàn tên lửa 261 bộ đội phòng không - không quân Hà Nội bắn rơi tại chỗ một chiếc B.52.

Tôi hỏi: Có đúng B.52 không?

Báo cáo, đúng là B.52.

“Một lát sau, đồng chí Nguyễn Quang Bích báo cáo cụ thể: Đây là chiếc B.52G cất cánh từ Guam. Nó rơi xuống xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội”.

“Trong đêm 18, rạng ngày 19/12/1972, địch sử dụng máy bay B.52 cùng không quân chiến thuật liên tiếp hết đợt này đến đợt khác đánh phá Đông Anh, Yên Viên, Mễ Trì, Gia Lâm, Hòa Mục... Thủ đô chìm trong khói lửa. 4 giờ 39 phút sáng ngày 19/12, Tiểu đoàn 77 Trung đoàn tên lửa 257 bắn rơi chiếc B.52 thứ hai Máy bay rơi tại chỗ trên cánh đồng xã Tân Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây... Ngày 25/11/1972, trong Chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu”, Quân ủy Trung ương cũng nhắc lại: “Sắp tới, địch có thể ném bom bắn phá trở lại các mục tiêu ngoài vĩ tuyến 20 với mức độ ác liệt hơn trước. Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B.52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng... Ngày 27/11, Bộ Tổng Tư lệnh nhận định có nhiều khả năng địch dùng B.52 đánh vào Hà Nội và ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tăng cường chuẩn bị chiến đấu.

“Thủ đoạn của địch là cho B.52 tập kích vào ban đêm và bay ở độ cao 11km nhằm tránh hỏa lực của các loại pháo xạ. Ngày cũng như đêm, địch tập trung máy bay tiêm kích và cường kích cùng các biện pháp gây nhiễu tích cực chế áp, đánh phá các sân bay và trận địa tên lửa, hy vọng sẽ loại trừ hoàn toàn sự uy hiếp của hai lực lượng chủ yếu có thể đánh được máy bay B.52 là tên lửa phòng không và máy bay của ta. Nhưng đêm 20 rạng ngày 21/12, bộ đội tên lửa đã lập công xuất sắc, phóng 35 quả đạn, bắn rơi 7 chiếc B.52, có 5 chiếc rơi tại chỗ. Các lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Thái (nay là Thái Nguyên và Bắc Kạn) cũng hiệp đồng chặt chẽ, bắn rơi 7 máy bay chiến thuật và một máy bay không người lái. Đòn tiến công trong đêm thứ 3 của chiến dịch “Linebacker-2” đã bị thất bại nặng nề. Tinh thần của phi công B.52 suy sụp nghiêm trọng. Hành động tàn bạo của Nixon trùm bóng đen lên ngày lễ Giáng sinh, khiến lương tâm của cả loài người nổi giận...

“Đêm 26/12, địch huy động hàng trăm chiếc B.52 đánh phá dã man các khu dân cư ở nội thành Hà Nội. Có lúc, căn hầm chỉ huy kiên cố của Tổng hành dinh rung chuyển như động đất. Hồi 22 giờ 47 phút, máy bay B.52 ném bom rải thảm xuống khu phố Khâm Thiên, một nơi có mật độ dân số đông nhất thủ đô, gây tổn thất rất lớn về người và của. Cùng với Khâm Thiên, máy bay B.52 cũng rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư trong thành phố, trong đó có bệnh viện Bạch Mai, hơn 1.000 người bị thương vong.

“22 giờ 30 phút đêm 26/12, Tiểu đoàn 76 Trung đoàn tên lửa 257 anh hùng bằng 13 quả đạn, phối hợp với trận địa phòng không biến hai máy bay B.52 thành hai khối lửa khổng lồ rực sáng cả một góc trời phía nam thành phố. Một trong hai chiếc rơi ngay vào cửa hàng ăn Tương Mai thuộc quận Hai Bà Trưng, nội thành Hà Nội. Trong đêm 26 rạng ngày 27/12, quân và dân Hà Nội sục sôi căm thù, bắn rơi 18 máy bay địch, trong đó có 8 chiếc B.52. Đây là đêm Mỹ bị mất nhiều máy bay B.52 nhất...

“Chia sẻ nỗi đau của đồng bào, bác Tôn Đức Thắng và tôi (VNG) đến ngay khu phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai ân cần thăm hỏi bà con. Các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đến thăm Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Gia Lâm... Dưới bom đạn Mỹ, nhân dân Việt Nam vẫn ngẩng cao đầu át tiếng bom rơi. Câu nói bất hủ của Bác Hồ lúc sinh thời vang lên như một lời nguyền: “… Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

“Suốt 12 ngày đêm, Mỹ huy động gần 200 máy bay chiến lược B.52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật các loại đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Hơn 10 vạn tấn bom đạn trút xuống các trường học, bệnh viện, các khu phố đông dân... Tội ác chồng lên tội ác.

“Chỉ riêng ngày 28/12, Mỹ đã mất 31 máy bay B.52, chúng có 200 chiếc, mất 31 chiếc là tổn thất 15%. Nếu tính riêng Hà Nội, Hải Phòng, mỗi lần chúng vào 20, 30 chiếc, bị hạ bốn hoặc năm chiếc thì tỷ lệ rất cao! Không quân chiến lược mà tổn thất tỷ lệ từ 10 đến 15% là rất cao. Thất bại hết sức nặng nề của Mỹ là như vậy đó!

“Ngày 22 tháng 12, Mỹ gửi công hàm đề nghị ta họp lại theo nội dung đã thỏa thuận hồi tháng 10/1972. Hãng Thông tấn Mỹ AP ngày 25/12/1972 cay đắng thú nhận: “Thiệt hại của Mỹ là nặng nhất từ khi Mỹ bắt đầu ném bom Bắc Việt Nam tháng 8/1964”.

“Thế là “chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã:

1. Bắn rơi 77 máy bay hiện đại thuộc không quân chiến lược và không quân chiến thuật Mỹ, phần lớn rơi tại chỗ, trong đó có:

33 máy bay chiến lược B/52, phần lớn thuộc loại B.52D và B.52G, tức loại máy bay có trang bị điện tử tối tân của Mỹ.

5 máy bay F.111.

24 máy bay phản lực hiện đại của hải quân Mỹ.

3 máy bay trinh sát và một máy bay lên thẳng.

2. Tiêu diệt và bắt hàng trăm giặc lái Mỹ, trong đó có đủ sĩ quan các cấp từ trung tá trở xuống.

3. Bắn cháy 8 tàu chiến Mỹ...”.

“Sau này báo chí phương Tây tiết lộ: R.Nixon thúc ép Nguyễn Văn Thiệu phải ký Hiệp định (Paris) bằng bất cứ giá nào. Thiệu hầu như tuyệt vọng khi đọc đi đọc lại bức thư của Nixon do Tướng Haig chuyển tới:

“... Cho tôi nhấn mạnh để kết thúc rằng Tướng Haig không đến Sài Gòn để đàm phán với ngài. Tôi tin chắc sự từ chối của ngài hợp tác với chúng tôi sẽ đưa đến thảm họa, mất tất cả những gì mà chúng ta đã chiến đấu bên nhau để giành được trong thập kỷ qua. Nó sẽ là không tha thứ được vì chúng ta sẽ mất đi một giải pháp vinh dự và công bằng”.

“Ngày 17/1/1973, sáu ngày trước khi Hiệp định Paris được ký kết, Nixon lại gửi thư cho Thiệu, lời lẽ không khác một tối hậu thư: “… Đã nhiều lần tôi trả lời với ngài, vấn đề then chốt ở đây không phải là tính chất đặc biệt của hiệp định và qua đó là hứa hẹn hợp tác lâu dài của hai nước và sự viện trợ từ phía chúng tôi. Rõ ràng chính sự viện trợ này mà tôi đã và đang hành động. Nếu các ngài từ chối không ký hiệp định thì các ngài đừng trông mong gì vào khả năng giúp đỡ của chúng tôi. Ý kiến trong Quốc hội và công luận không cho phép tôi làm khác... “.

“Với Mỹ vẫn là củ cà rốt và cái gậy. Vung cái này không được lại giở đến cái kia. Và tất nhiên là Thiệu phải đầu hàng. Mưu sĩ Henry Kissinger trở lại bàn hội nghị, không kiếm chác được gì hơn. Trưa ngày 23/1/1973, trong cơn mưa lất phất và cái lạnh cắt da, ông ta đành phải đến đại lộ Klebe đặt bút ký tắt vào hiện định bằng hai chữ cái HK dính liền vào nhau. Bốn ngày sau đó, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam chính thức được ký kết. John Negropon, chuyên viên của Kissinger về Việt Nam cay đắng thốt lên: “Chúng ta ném bom Bắc Việt Nam để rồi chính chúng ta lại chấp nhận nhượng bộ”.

“Đế quốc Mỹ thua trong ván bài cuối cùng, đúng như lời tiên đoán của Bác Hồ: “Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”…

BAOTINTUC.VN

Related articles
Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW: Quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả nguồn lực đất đai
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW (NQ 18) về việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (27/12)
Ẩm thực góp phần nâng tầm du lịch; Về quê đón tết; Nhạc Noel và Réveillon; Cảm nhận về “Ươm vào đất chút hương”; Bình Thuận: Ngư dân trúng đậm tôm hùm con; Hội đồng hương Quảng Ngãi - Gia An: 15 năm miệt mài đóng góp cho cộng đồng; Kiểm soát giao thông qua thiết bị thông minh… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 27/12/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thắng Mỹ ngay trên trời Hà Nội