Nơi ấy, tôi đã được nghe kể chuyện về sự hy sinh của hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân quân… đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để góp sức thông đường, thông xe ra tiền tuyến, góp sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Tại mảnh đất thiêng liêng này, lúc 16 giờ ngày 24/7/1968 Tiểu đội 10 nữ TNXP đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông “hậu phương lớn” với “tiền tuyến lớn” góp phần cho Tổ quốc toàn thắng. Tên tuổi 10 cô mãi mãi được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới nhắc đến như một kỳ tích anh hùng của dân tộc Việt Nam. Những dòng chữ ấy được khắc rõ nét trên tấm bia Tổ quốc ghi công Tiểu đội 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, gắn với 10 cái tên: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Xuân, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường, Võ Thị Hợi, Trần Thị Rạng, Dương Thị Xuân, Hà Thị Xanh.
Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc, sự hy sinh anh dũng của 10 nữ liệt sĩ TNXP vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Đến nay, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Hàng năm có rất nhiều lượt du khách đến dâng hương tưởng niệm, tri ân, tưởng nhớ, nhất là vào dịp tháng 7, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ.
Thời điểm chúng tôi trở lại đây, có đông đảo đoàn từ mọi miền Tổ quốc đến dâng hương thành kính tại khu mộ 10 nữ anh hùng TNXP Đồng Lộc. Họ là những đoàn cựu chiến binh, thanh niên xung phong ở các tỉnh, thành. Đó còn là những đoàn khách với đủ lứa tuổi, có cả các em nhỏ, thanh thiếu niên được nhà trường, gia đình tổ chức về nguồn để giáo dục truyền thống cách mạng. Với người dân địa phương, Ngã ba Đồng Lộc là cái tên không thể phai nhòa, đã gắn bó với chặng đường lịch sử trong cuộc đời mỗi người. Nhiều năm trôi qua, người dân dù đã quá quen thuộc với mảnh đất này cũng không khỏi bồi hồi xúc động. Trước đây là vùng “đất chết”, bị tàn phá bởi bom đạn, nhưng nay đã hồi sinh, khang trang, sạch đẹp.
Ở quần thể di tích này, có các hạng mục gồm Tượng đài Chiến Thắng; Biểu tượng lưu niệm của ngành giao thông- vận tải; Đài tưởng niệm các liệt sĩ ngành giao thông – vận tải; Nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ TNXP toàn quốc. Đặc biệt du khách khi đến đây nhất định không thể bỏ qua khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP Đồng Lộc; Nhà truyền thống TNXP toàn quốc; Tháp chuông Đồng Lộc; Cụm tượng 10 cô gái Đồng Lộc; Cột cờ núi Mòi; Đền thờ Đồng Lộc… Du khách thập phương khi đến Ngã ba Đồng Lộc chỉ cần đến bàn đăng ký tên. Họ mua thêm 10 bông hoa cúc trắng, cùng nén nhang thắp lên mộ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc để tỏ lòng thành kính, tri ân. Nếu những ai muốn tìm hiểu thêm về lịch sử vùng đất này, cùng những câu chuyện kể về 10 cô gái Đồng Lộc, đều có thể tìm hiểu qua cuốn sách “Ngã ba Đồng Lộc – Ngã ba anh hùng” của Nhà xuất bản Nghệ An, hay “Chuyện 10 cô gái Đồng Lộc” của Nhà xuất bản Hội Nhà văn được bán ngay tại quầy hướng dẫn. Cuốn sách góp phần khắc họa sâu đậm hơn quê hương, gia đình, hoàn cảnh sống, tính cách riêng của các cô gái từ thời ấu thơ đến trước lúc hy sinh.
Với tôi, một người con xa quê, có đến 10 năm mới có dịp trở lại với Đồng Lộc. Trải qua những tháng năm không ngừng phát triển, Ngã ba Đồng Lộc nay đã trở thành một quần thể di tích với nhiều công trình ý nghĩa, tiêu biểu, thu hút du khách, người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Những ngày tháng 7 tri ân, hướng đến Ngày Thương binh Liệt sĩ, tôi cùng người thân đứng trước từng hàng mộ của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, bồi hồi xúc động thắp nén tâm nhang, cùng gửi gắm tri ân sâu sắc, sự biết ơn đến 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc nói riêng và các anh hùng, thương binh liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc… đã cống hiến, hy sinh để có được một đất nước hòa bình, thịnh vượng như hôm nay.
Theo Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, năm 1989 Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 1995, Đảng và Nhà nước giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các hạng mục công trình tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.