Thách thức thầy cô với ChatGPT

10/02/2023, 05:53

Hiện tượng đang nóng trên mạng xã hội toàn cầu hiện nay là cuộc chạy đua công nghệ AI (Artificial Intelligence – trí tuệ nhân tạo, mô phỏng những suy nghĩ và quá trình tiếp thu kiến thức của con người cho máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính), cụ thể là cuộc cạnh tranh giữa sản phẩm Apprentice Bard (Goodgle) với ChatGPT (Microsoft), một cuộc thử nghiệm tìm kiếm để có thể sử dụng định dạng câu hỏi và câu trả lời.

Nhưng ở đây chủ yếu nêu vài suy nghĩ về tính năng của ChatGPT với ứng dụng trong dạy học.

Năng khiếu đam mê đi với thiên tài

Sản phẩm ChatGPT làm chấn động cộng đồng mạng và báo giới toàn cầu nhất là từ đầu năm 2023, “cha đẻ” ra sản phẩm này là Sam Altman, một thanh niên người Mỹ gốc Do Thái, sinh năm 1985, ở St Louis tiểu bang Missouri, trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Khi mới lên 8 (năm 1993), Sam Altman được mẹ là một bác sĩ tặng cho 1 cái máy tính. Hành trình phát huy năng khiếu của một thiên tài công nghệ bắt đầu từ đó. Kể rằng: “Như bao nhân tài CNTT khác, Sam Altman cũng đậu đại học Stanford, nhưng sau đó cảm thấy việc học nhàm chán nên anh ta đã bỏ học ra mở công ty từ 2005. Ban đầu Altman đồng sáng lập và trở thành CEO của Loopt - ứng dụng di động và mạng xã hội dựa trên vị trí người cầm thiết bị. Loopt từng huy động được 30 triệu USD, sau đó anh cùng bạn bè làm vài công ty khởi nghiệp nữa trước khi tập trung vào OpenAI (năm 2019). Sam Altman ăn chay trường và chả có thú vui gì ngoài việc ngồi trước chiếc máy tính suốt ngày. OpenAI bao gồm nhiều nhân vật tên tuổi của làng CNTT thế giới đứng ra sáng lập như: tỷ phú Elon Musk, nhà đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và nhiều thành viên khác. Công ty này nhanh chóng trở thành một đối trọng về nghiên cứu AI trước các công ty công nghệ lớn khác, như Google. Và “ông lớn” Microsoft đã nhìn ra tiềm năng của công ty này, nên móc hầu bao tài trợ 1 tỷ USD. Một sự đầu tư mạo hiểm thường thấy ở Mỹ. Họ đã không nhầm vì kể từ khi Sam Altman này làm CEO OpenAI, các nhà đầu tư đã thu lợi nhuận gấp 100 lần so với ban đầu”(1).

chatgpt.jpg
Công cụ ChatGPT do OpenAI phát triển. Ảnh: Internet

Sản phẩm phần mềm công cụ ChatGPT chỉ sau 2 tháng ra mắt đã có lượng người trên cộng đồng mạng truy cập cán mốc 100 triệu người/tháng, được xem là công cụ trí tuệ nhân tạo được người dùng ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử công nghệ thông tin. Hiện nay ứng dụng ChatGPT (chatbot) được mệnh danh là trí tuệ nhân tạo (AI) thông minh nhất thế giới. Đây là công cụ để người truy cập có thể trò chuyện, khi người truy cập đặt ra câu hỏi thì được chatbot trả lời khá đầy đủ các nội dung câu hỏi, kể cả những thắc mắc về một lĩnh vực nào đó mà bạn đưa ra. Trước đây bạn cần tra cứu nội dung gì thì truy cập vào Google, cư dân mạng có câu khá hài hước: “Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Google”. Khi ChatGPT ra mắt, người sử dụng muốn tra cứu truy cập vào công cụ này thay cho tìm kiếm thông tin trên Google. ChatGPT với sự hiểu biết trong nhiều lĩnh vực, người sử dụng đặt ra các câu hỏi thắc mắc sẽ được trả lời chỉ sau vài giây.

Sáng 6/2/2023, ngồi trao đổi với một thầy giáo và một chuyên viên công nghệ thông tin, truy cập vào công cụ ChatGPT, yêu cầu viết một đơn xin việc làm, phần mềm nhấp nháy mấy giây rồi xuất ra một mẫu đơn đầy đủ về các thông tin xin việc. Thầy giáo yêu cầu tìm diện tích của một tam giác vuông, chưa đầy 4 giây đã có đáp số. Công cụ cũng trả lời rất nhanh chóng và chính xác đáp án những câu trắc nghiệm khách quan các môn toán, lý, hóa... Anh bạn chuyên viên công nghệ cười nói, “nó” làm được cả thơ nữa đấy, rồi anh chuyển laptop cho bọn tôi xem, có một yêu cầu làm 2 bài thơ về mùa thu Việt Nam (Sure, here are two poems about the autumn season in Vietnamese), thấy có 2 bài tứ tuyệt. Bài 1: Mùa thu nắng lạnh; bài 2: Mùa thu về. Trích bài Mùa thu về: “Trái tim tôi rực rỡ, mùa thu đến với tôi/ Cánh hoa rực rỡ, màu sắc tươi tắn./ Nắng mưa rơi xuống, mùa thu đầy tình cảm./ Tôi muốn đi bộ trong mùa thu, tìm kiếm niềm vui”. Tuy đây là cách sắp chữ của công cụ phần mềm nhưng đọc lại bài thơ thấy cách sắp chữ máy móc này cũng rất tài tình.

Một thử thách trong dạy học

Tuy có những ý kiến khác nhau, nhưng đa số “giáo viên ở Mỹ đã sử dụng công cụ này để soạn bài giảng, xây dựng tiêu chí đánh giá, cung cấp nhận xét/phản hồi cho bài tập của học sinh, trả lời email của phụ huynh, viết thư giới thiệu… Những công việc này, bao gồm cả liên quan trực tiếp đến công tác giảng dạy lẫn những nhiệm vụ mang tính văn phòng, sổ sách, hành chính thông thường, phải tốn hàng giờ, thậm chí hàng chục giờ cho giáo viên”(2).

Sau khi 3 chúng tôi vào kiểm tra một số thao tác với công cụ ChatGPT để nhận được những văn bản trả lời, thầy giáo nói, điều đáng lo ngại, nếu học sinh sử dụng điện thoại thông minh truy cập vào ChatGPT trong giờ học thì đây là cả vấn đề không đơn giản cho việc của thầy cô giáo đứng lớp. Nội dung về công cụ này cần được tiếp tục trao đổi nhiều hơn(3).

(1): An Thanh - https://baomoi. com/cha-de-cua-phat-minh-chatgpt-va-doi-thu-google; (2): Đinh Thu Hồng, https://vietnamnet.vn/giao-vie...; (3): Nguồn tư liệu bài viết tham khảo: VTV1, VTV24; www. youtube.com/watch?; facebook.com.

VÕ NGUYÊN

Related articles
Nhìn lại Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học
Sau 3 năm (2020 - 2021 đến 2022-2023) triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) ở cấp tiểu học. Tất cả các trường tiểu học trong tỉnh đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1, lớp 2 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thách thức thầy cô với ChatGPT