Có ca không phát hiện trường hợp vi phạm nào. Số trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã giảm hẳn so với trước, nhất là đối với người điều khiển xe ô tô, chỉ còn rất ít người điều khiển xe mô tô, xe máy vi phạm. Ý thức của người dân đã chuyển biến rõ rệt, khi rất nhiều người đã chọn phương tiện công cộng để về nhà, sau khi đã tham gia các cuộc vui có sử dụng rượu, bia. Giới lái xe taxi, Grap cho biết, người dân sử dụng taxi sau khi uống rượu, bia ngày càng nhiều. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, sau một thời gian cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, số vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia đã giảm rõ rệt, nhất là các vụ tai nạn liên hoàn, “xe điên”, xe mất lái do uống rượu, bia gây ra. Tại các cơ sở y tế cũng ghi nhận số ca TNGT liên quan đến nồng độ cồn đã giảm sâu. Ngay cả các vụ say xỉn đánh nhau gây thương tích, bạo hành gia đình, hay say rượu gây rối trật tự công cộng trên đường phố, cũng đã giảm hẳn…Năm nay, CSGT cả nước đã xử lý khoảng 700.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Trong thời điểm chỉ còn hơn một tháng nữa là đến tết nguyên đán Giáp thìn, với kỳ nghỉ dài 7 ngày, thì các thông tin trên là một tín hiệu vui. Nếu như chúng ta nhớ lại rằng, tết nào cũng vậy, số ca TNGT nhập viện cấp cứu và đánh nhau gây thương tích do rượu, bia quá đà lại tăng vọt, khiến nhiều người dân ngần ngại không dám ra đường những ngày tết, sợ gặp “ma men” thì “lành ít dữ nhiều”.
Năm qua, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, từ trên diễn đàn Quốc hội, đến các MXH, báo chí, dư luận xung quanh việc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, với các chế tài rất nghiêm khắc, các mức phạt rất răn đe. Và không thể phủ nhận một thực tế là tình trạng ăn nhậu từ thành thị đến thôn quê đã giảm khá mạnh, quán xá vắng vẻ, đìu hiu, chủ nhà hàng, quán nhậu kêu trời vì doanh thu, lượng tiêu thụ rượu, bia tụt dốc… Nhưng hiệu quả rất thiết thực của các đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn vừa qua cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn, cần kiên trì, bền bỉ, quyết tâm, quyết liệt thực hiện tới cùng, để hình thành nên một thói quen “đã uống rượu, bia, không lái xe” trong xã hội ta.
“Đến hẹn lại lên”. Càng gần đến tết Giáp Thìn thì tần suất ăn nhậu càng dày hơn, với rất nhiều lý do khó từ chối như: gặp mặt, liên hoan, tổng kết, tất niên, cưới hỏi…Ngày tết, tránh rượu bia tuyệt đối là điều khó, nhất là đối với các quý ông. Nhưng “đã uống rượu, bia, không lái xe” thì ai cũng có thể làm được, nếu quyết tâm từ bỏ một thói quen lạc hậu.
Và cũng cần từ bỏ thói quen lôi kéo, kích động, ép buộc người khác uống rượu, bia “không say không về”, vì nó gây nguy hiểm, hậu quả khôn lường cho người khác.